Chiều ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Ban Chỉ đạo QCDC TW) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội và đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo QCDC TW đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Sỹ Bảy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thiếu tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tô Duy Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; cùng đại biểu đại diện một số ban, bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội; Vụ Dân vận của các cơ quan Nhà nước và đại diện các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương…
|
Quang cảnh Hội nghị |
Tiếp tục phát huy, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân
Báo cáo của Ban Chỉ đạo QCDC TW tại Hội nghị cho thấy: Trong sáu tháng đầu năm 2023, công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đạt được nhiều kết quả rõ nét.
Cấp ủy các cấp đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng nhằm phát huy quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện QCDC cũng đã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều tỉnh, thành đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm; tích cực triển khai đăng ký, xây dựng các đề án, mô hình điểm về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở.
Tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC các cấp thường xuyên được củng cố, tăng cường, phát huy tinh thần, trách nhiệm của từng thành viên, đã bám sát tình hình xây dựng và thực hiện QCDC ở các địa phương, loại hình cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC với những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kết quả cụ thể, hướng mạnh về cơ sở nhằm phát huy, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Cấp ủy, Ban Chỉ đạo QCDC các cấp tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; với các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, bám sát theo chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, loại hình cơ sở; sau kiểm tra đã ban hành văn bản kết luận, kịp thời uốn nắn, khắc phục nhiều hạn chế, vướng mắc. Công tác phối hợp trong thực hiện QCDC giữa Ban Chỉ đạo các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan được chú trọng, tăng cường.
|
Đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo
|
Triển khai đồng bộ, kịp thời công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp năm 2013, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục được đổi mới, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, phát huy vai trò dân chủ đại diện. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, cử tri được tăng cường, qua đó kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân; góp phần giúp đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân.
Sáu tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 88.515 người đến trình bày về 65.919 vụ việc, có 755 đoàn đông người; tiếp nhận 104.994 đơn các loại (gồm đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 95.812 đơn, có 84.873 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 88,6% tổng số đơn đã xử lý); đã giải quyết 5.367/8.541 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 62,8%). |
Ban cán sự đảng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ và bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội kịp thời thể chế hóa, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp phần xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên cơ sở minh bạch, công khai với sự giám sát của doanh nghiệp và nhân dân. Việc tập trung triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực.
Cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được được quan tâm, triển khai quyết liệt tại nhiều bộ, ngành, địa phương góp phần tạo thuận lợi, nhanh chóng trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có nhiều chuyển biến rõ nét; hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp tục được nâng cao. Theo Ban cán sự đảng Chính phủ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong Quý 1/2023 cả nước bình quân đạt 98,01%. Nhiều tỉnh, thành như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt” góp phần củng cố niềm tin, sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện QCDC ở cơ sở, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án, dự án, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chủ động thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tiêu biểu như việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư… thời gian qua đã thu hút được hàng triệu lượt ý kiến tham gia, đóng góp, với hàng chục nghìn lượt hội nghị, hội thảo được tổ chức ở các cấp. Qua đó góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều nội dung và phong trào thiết thực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế, đóng góp tiền, tài sản, ngày công, cùng các nguồn lực khác để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, góp phần tạo dựng và hình thành nên những làng quê văn minh, hiện đại, đáng sống. Trong đó, riêng hội viên Hội Nông dân cả nước đã hiến 1,7 triệu mét vuông đất, đóng góp trên 389 tỷ đồng, hơn 1,1 triệu ngày công lao động, sửa chữa, bê tông hóa trên 63 nghin ki-lô-mét kênh mương, nội đồng. |
Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú; thông qua hệ thống báo chí, mạng xã hội, loa truyền thanh, tuyên truyền miệng… Xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo như ở tỉnh Bắc Giang xây dựng phần mềm và ứng dụng “Hệ thống quản lý thông tin QCDC”; tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… Nhờ đó nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đổi mới sáng tạo, mọi nguồn lực của nhân dân để xây dựng đất nước
Để tiếp tục quán triệt, thực hiện những quan điểm chỉ đạo của Trung ương về mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo QCDC TW đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
|
Thiếu tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát biểu đóng góp tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đại biểu thống nhất với đánh giá, nhận định về kết quả thực hiện QCDC trong 6 tháng đầu năm mà báo cáo đã đề cập. Các đại biểu cũng tích cực bổ sung những kết quả, bài học kinh nghiệm qua triển khai công tác 6 tháng đầu năm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Thực hiện QCDC vẫn có nơi, có việc còn hình thức, đánh giá kết quả chưa đúng thực chất, chưa mang tính định lượng; một số cấp ủy, chính quyền ít quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC; việc cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn chậm; việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; kết quả thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở chưa đồng bộ; nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng QCDC; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế của doanh nghiệp... từ đó đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp khắc phục.
Thảo luận, đề xuất về các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, các ý kiến tập trung vào các nội dung như: Tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và mong muốn Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định thực hiện (do Chính phủ sắp ban hành). Các cơ quan, bộ, ngành khẩn trương tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan tới Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường phối hợp để hướng dẫn, tập huấn việc thực hiện các nội dung liên quan, nhất là trong đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt trong vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở và là thành viên quan trọng của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng…
Nhiều ý kiến mong muốn Ban Chỉ đạo QCDC TW tham mưu Bộ Chính trị tổ chức tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, để có những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới. Theo đó, cần tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC các cấp, để tiếp tục kiện toàn về thành viên, điều chỉnh về tên gọi, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ phù hợp thực tiễn hiện nay, trong bối cảnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2023...
|
Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và ý kiến của các đại biểu. Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đến năm 2022 Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2023, đây là dấu ấn quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Dương Thanh Bình nhấn mạnh để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhanh chóng đi vào cuộc sống thì các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản liên quan đến việc cụ thể hóa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Gắn với tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, qua đó phát huy tốt vai trò làm chủ, khơi dậy sức sáng tạo, hiến kế và nguồn lực trong nhân dân. Đồng chí Dương Thanh Bình mong muốn Ban Chỉ đạo QCDC TW có ý kiến đề xuất Bộ Chính trị chỉ đạo tổ chức tổng kết Chỉ thị số 30-CT/TW, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn mới.
|
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo QCDC TW phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo QCDC TW cảm ơn những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo QCDC TW và các đại biểu dự hội nghị đã cùng với Ban Chỉ đạo tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội… triển khai thực hiện có hiệu quả công tác QCDC 6 tháng đầu năm. Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị để bổ sung, hoàn chỉnh Báo cáo hợp lý, đồng chí Nguyễn Lam mong muốn hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC TW trong 6 tháng cuối năm tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần phát huy tốt vai trò làm chủ, khơi dậy mọi nguồn lực, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, vươn lên của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
Nguồn: Danvan.vn