Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, những ngày qua, việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp) được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đây không chỉ là việc đóng góp ý kiến đơn thuần mà là dịp mỗi người dân phát huy quyền làm chủ, trách nhiệm công dân đối với tương lai phát triển của đất nước.
Thời gian này, ông Vương Thành Tuấn, ở phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào) dành sự quan tâm đặc biệt đến quá trình lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013; tìm hiểu kỹ từng nội dung, điều khoản được đề xuất sửa đổi để đóng góp ý kiến. Ông Tuấn cho rằng: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ mở đường cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng mà còn mang yếu tố hội nhập khi nhiều nước trên thế giới áp dụng mô hình chính quyền ba cấp. Tôi tin tưởng, khi bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đất nước sẽ tiết kiệm được nguồn lực, tập trung cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.Bà Đỗ Thị Hoa ở xã Phụng Công (Văn Giang) bày tỏ: Sau khi được tuyên truyền, phổ biến nội dung, quyền, nghĩa vụ của công dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp và cách thức đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, tôi rất phấn khởi khi biết Nhà nước triển khai nhiều hình thức lấy ý kiến để Nhân dân dễ dàng lựa chọn hình thức tham gia phù hợp và có thể tham gia nhiều lần bằng văn bản gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, cổng thông tin điện tử hoặc qua ứng dụng VneID... Việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy, xóa bỏ cấp trung gian và giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Ông Đỗ Thanh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hưng Yên cho biết: Tôi rất đồng tình với chủ trương lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp rộng rãi trong Nhân dân, bởi đây không chỉ thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc, tôn trọng ý kiến của Nhân dân mà còn mong muốn Nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, đóng góp trí tuệ của mình đối với bản Hiến pháp. Qua nắm bắt thực tế, Nhân dân rất tin tưởng vào chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh, xã, bỏ cấp huyện để giảm sự cồng kềnh trong bộ máy, để quy mô đơn vị hành chính lớn hơn, tạo dư địa tốt cho phát triển kinh tế - xã hội...Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra dành khá nhiều thời gian để các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các dự án luật quan trọng khác. Trong bối cảnh cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và đổi mới công tác xây dựng luật pháp, tất cả đều kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thể chế nhằm xây dựng một nền pháp lý hiện đại, minh bạch và phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên hội nhập. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, người dân trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp bằng nhiều hình thức như: Trực tiếp tại các hội nghị lấy ý kiến, gửi văn bản tới Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, góp ý qua ứng dụng định danh điện tử VneID...

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung
một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân chính là nền tảng để xây dựng Hiến pháp ngày càng hoàn thiện, phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Ông Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một việc rất quan trọng của cả hệ thống chính trị. Do vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học; bảo đảm sự thảo luận và tham gia ý kiến rộng rãi, tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình với đất nước trong việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên đã kịp thời ban hành Kế hoạch lấy ý kiến, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tới đoàn viên, hội viên, Nhân dân và tổ chức các hình thức lấy ý kiến rất phong phú, sáng tạo, thực chất. Nhiều ý kiến của nhà khoa học, trí thức, cán bộ, Nhân dân thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao đối với việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng tiếp thu ý kiến tham gia, góp ý của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời tổng hợp, báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo đúng quy định. Mỗi ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp đều mang theo niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân, bởi mỗi người dân đều nhận thức sâu sắc rằng, để các chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống thì việc hoàn thiện hệ thống luật pháp là yếu tố then chốt. Chỉ khi thể chế đổi mới thực chất, hệ thống luật pháp hoàn thiện thì tương lai phát triển mới thực sự bền vững.
Nguồn: https://baohungyen.vn/