Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 7/5, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành phiên họp. (Ảnh BÙI GIANG)
Buổi sáng, Quốc hội nghe đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết đã chính thức bắt đầu từ ngày 6/5 và sẽ hoàn thành vào ngày 5/6/2025 với tinh thần dân chủ, thực chất, bằng nhiều hình thức đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.
Quy định rõ đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm
Trong phiên làm việc sáng qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Về nội dung vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đã được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Tại điểm b khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật quy định đối tượng là người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đề nghị, cần làm rõ quy định một cách cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng người lao động, nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu lầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan thực hiện.
Làm rõ vấn đề này, đại biểu cho rằng, trên thực tế, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức, nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến… Các chương trình vay vốn chính sách trong thời gian qua đã cho thấy một rào cản lớn là việc xác định và chứng minh tình trạng lao động của các đối tượng này.
Do đó, các quy định cũng cần bao gồm cả việc đề xuất các tiêu chí nhận diện linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc; đồng thời quy định chi tiết đối tượng thụ hưởng sẽ bảo đảm tính công bằng và bao trùm trong chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường lao động phi chính thức.
Về đánh giá cán bộ, công chức tại Điều 19, đề nghị quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá dựa trên chỉ số hiệu quả công việc (KPI) và lấy ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Cơ chế này sẽ bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, và là tiền đề cho các khâu khác trong công tác cán bộ, như bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc kỷ luật.
Đại biểu TẠ ĐÌNH THI (Đoàn Hà Nội)
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) và một số đại biểu nêu rõ, điểm c khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định sẽ được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định tất cả người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách này nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng lao động sẽ đều có cơ hội, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, tạo lập được việc làm ổn định, phát triển kinh tế sản xuất bền vững lâu dài.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh BÙI GIANG)
Về vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài ở Điều 9, Điều 10, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, đi làm việc nước ngoài là công cụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy di cư lao động có tổ chức, các điều khoản hiện tại chỉ dừng lại ở phần điều kiện vay, chưa đủ chặt chẽ ở khâu giám sát sử dụng vốn vay và xử lý rủi ro, dự thảo không quy định rõ về cơ chế hậu kiểm sau khi cấp vốn. Điều này tạo khoảng trống pháp lý, dễ dẫn đến việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất hoặc nợ xấu kéo dài.
“Trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đặc biệt là nhóm lao động trung niên, lao động giản đơn và người làm việc trong khu vực phi chính thức đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm và tụt hậu kỹ năng”, đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) nêu ra trong phiên họp.
Đại biểu bày tỏ, mặc dù chúng ta đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp. Điều này mới đang giải quyết ở phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như: người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc làm khi mới học nghề.
Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với nhiều hình thức, tuy nhiên, hiệu quả đào tạo chưa cao, chủ yếu đào tạo ngành nghề về lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm tại gia đình. Người lao động khi được tuyển vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn phải đào tạo lại, như vậy chưa đạt mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm một cách bền vững.
Đại biểu HÀ SỸ HUÂN (Đoàn Bắc Kạn)
Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là việc thiếu kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin.
Lấy dẫn chứng ở một số quốc gia phát triển đã có các chính sách chuyển đổi từ trợ cấp bị động sang mô hình đầu tư kỹ năng hỗ trợ người lao động học nghề mới chuyển ngành nghề phù hợp, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật quy định các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với nhiều lao động là người khuyết tật; đầu tư xây dựng chương trình chính sách đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với người lao động mất việc làm…
Sửa đổi, bổ sung phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đa số các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung 3 nội dung trên nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, một nhiệm vụ đang được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao.
Cho ý kiến về khoản 4, Điều 11 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cho phép Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp cần thiết, các đại biểu cho rằng quy định này là phù hợp.
Với mô hình tổ chức mới, cấp xã được tăng thẩm quyền và bộ máy để đảm đương các nhiệm vụ, nhất là giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân và cơ sở. Trong khi đó, cấp tỉnh tập trung quản lý các vấn đề vĩ mô, điều phối, phân bổ nguồn lực, hỗ trợ, giám sát, và thúc đẩy cấp xã thực hiện nhiệm vụ, chỉ can thiệp trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến nhiều đơn vị hành chính cấp xã hoặc yêu cầu chuyên môn cao.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, với mô hình chính quyền cấp xã mới, đề nghị điều chỉnh quy định để làm rõ hơn trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc giám sát, hỗ trợ cấp xã.
Cho ý kiến vào dự án Luật Cán bộ, công chức, cụ thể về vị trí việc làm, dự thảo chưa rõ cơ chế quản lý kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, một số ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ này, tránh chồng chéo, bảo đảm tính khả thi.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đa số ý kiến cho rằng quy định tại Điều 5 chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi trong việc xác định thế nào là người có tài năng. Một số đại biểu đề nghị luật bổ sung quy định thời gian thử thách từ 6 tháng đến 1 năm, cho người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi. Sau thời gian này, nếu không phát huy được năng lực, phải rời vị trí để nhường chỗ cho người khác.
Bên cạnh việc cần phải làm rõ hơn chính sách trọng dụng, đãi ngộ người tài, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị thiết kế điều khoản này theo hướng vừa tăng quyền chủ động cho cơ sở, vừa rõ các điều kiện bảo đảm thực thi chính sách.
Nguồn: https://nhandan.vn