Thành viên hội đồng quản trị Quỹ Hòa bình Soviet chia sẻ điều thấm thía nhất với ông là sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến, là cách mọi người dân Việt Nam tập hợp cho mình sức mạnh để đi đến đích.

Ông Viktor Petrov (bên phải) trao đổi với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Lê Quang Vinh/TTXVN)
“Tôi tự hào vì đã ‘góp phần’ thống nhất đất nước Việt Nam" - ông Viktor Petrov, thành viên hội đồng quản trị Quỹ Hòa bình Soviet, thành viên Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại nhà riêng bằng những lời nói vui, nhưng hoàn toàn có cơ sở.
Vốn có chuyên môn về quan hệ quốc tế và trình độ tiếng Pháp tốt, ông Viktor Petrov được giao phụ trách vấn đề liên quan đến Việt Nam tại Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam vào những năm 1972-1973 khi cuộc đàm phán hòa bình bước vào giai đoạn nước rút đầy cam go. Ủy ban chuyên chịu trách nhiệm giúp đỡ các đoàn đại biểu từ miền Nam Việt Nam, còn các đoàn miền Bắc do Hội Hữu nghị Xô-Việt khi đó do phi công vũ trụ Gherman Titov làm chủ tịch, chịu trách nhiệm.
Qua công việc trực tiếp với các đoàn đại biểu Việt Nam, ông Petrov chứng kiến giai đoạn cuối của đàm phán, khi hai bên đấu trí từng giây phút để bảo vệ quan điểm của mình và thúc đẩy quan điểm đó đến đích. Mỹ và phương Tây không muốn thất bại ở miền Nam, không muốn hai miền Việt Nam thống nhất sau Hiệp định Paris. Ông Petrov cho rằng đàm phán khi đối phương vô cùng lo sợ và ý thức được thất bại là bối cảnh vô cùng khó khăn đối với Việt Nam.
Cho đến nay, ông Petrov không thể nhớ nổi chính xác ông đã bao nhiêu lần đón và tiễn nhà nữ ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định, tại Moskva trong những chuyến đi đàm phán và vận động.
Căn phòng nay ông đang ở thậm chí từng là nơi nghỉ lại của bà Bình khi không kịp đặt khách sạn.
Ấn tượng của ông về vị “nữ tướng” ngoại giao Việt Nam là bà rất giỏi tiếng Pháp và luôn bận rộn, luôn nỗ lực làm được nhiều việc hơn. Ngay trong thời gian quá cảnh tại Moskva để bay tới địa điểm diễn ra các cuộc họp ở nước khác, bà Nguyễn Thị Bình cũng luôn có những cuộc gặp gỡ, vận động với các lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo chính quyền, các chính khách, các đoàn đại biểu nước ngoài để tranh thủ mọi sự ủng hộ cho Việt Nam, mở rộng sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam.
Ông Petrov cho biết Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam tập hợp các đại diện của đủ mọi ngành nghề, nhiều nhân vật nổi tiếng, có điều kiện tài chính và các mối quan hệ rộng, họ đã phát huy hữu hiệu năng lực tập hợp của mình để ủng hộ Việt Nam. Nhiệm vụ của Ủy ban không phải là kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam tại Liên Xô, vì lúc đó hoạt động này đã trở thành phong trào trên cả nước Liên Xô.
Ủy ban hoạt động chính tại nước ngoài như Thụy Điển, Pháp kêu gọi công luận, tập hợp được càng nhiều càng tốt các ý kiến ủng hộ Việt Nam. Ông Petrov cùng các thành viên Ủy ban đón nhiều đoàn quốc tế tại Moskva, trong đó có nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng Jane Fonda, những sỹ quan quân đội Mỹ phản chiến.
Ủy ban ủng hộ Việt Nam không chỉ ủng hộ Việt Nam mà còn cả những người bạn của Việt Nam. Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn, hoạt động của đoàn đàm phán hòa bình tại quốc tế hẳn còn khó hơn nhiều nếu không có “cơ sở” vững chắc tại Liên Xô, những người bạn chính khách tại Pháp, Thụy Điển…
Ông Petrov xúc động nhớ lại giây phút đích thân báo tin chiến thắng cho đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam tại khách sạn Ukraine (nay là Radisson) ở trung tâm Moskva ngày 30/4/1975, nhiều người đã không thể tin. Chiến thắng đến không phải là điều bất ngờ sau 30 năm đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh, song chặng đường ấy của Việt Nam quá dài, quá nhiều mất mát, để có thể bình tĩnh đón nhận sự kết thúc.
Ông Petrov chia sẻ điều thấm thía nhất đối với ông là sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến, là cách mọi người dân Việt Nam tập hợp cho mình sức mạnh để đi đến đích. Có ai tưởng tượng được rằng du kích Việt Nam đã đào hàng km địa đạo ngay sát đối phương, đưa pháo của Liên Xô xuống lòng đất, tháo rời ra để học cách sử dụng.
Một người bạn thân của ông Petrov, cựu chuyên gia bệ phóng tên lửa nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Soviet đã công tác ở Việt Nam, ông Nikolai Kolesnik, kể lại rằng người Việt Nam rất sáng dạ, những điều mà pháo thủ Liên Xô phải học mất 6 tháng thì chiến sỹ Việt Nam chỉ mất 3 tháng để thành thạo, để tự chủ không cần đến chuyên gia giúp đỡ nữa. Đó là vì họ được thúc đẩy bằng mục tiêu một Việt Nam thống nhất, Nam Bắc về chung một nhà, gia đình được đoàn tụ, quê hương được thanh bình.
Theo ông Petrov, trong cuộc chiến vì độc lập, tự do Việt Nam đã tập hợp được tất cả sức mạnh cần thiết cho chiến thắng: sự lãnh đạo tài tình của Đảng, thiên tài của lãnh tụ, chiến lược ngoại giao khôn khéo, những nhà đàm phán tài ba, đoàn kết toàn dân, quân đội giỏi và sự ủng hộ của quốc tế. Và những đổi thay không thể nhận ra của đất nước cho đến nay hoàn toàn hợp lý khi nhân dân Việt Nam đã biết tạo ra sức mạnh như vậy./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/