Thời gian qua, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, liên tục đưa ra những cảnh báo nhưng số vụ, số người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, điện thoại vẫn tiếp tục xuất hiện. Các đối tượng phạm tội hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây thiệt hại về tài sản cho các bị hại, gây hoang mang trong dư luận xã hội và mất an ninh trật tự.
Muôn kiểu lừa đảo
Vừa qua, ông N.Đ.C. (72 tuổi), ở thôn Hàm Tử, xã Hàm Tử (Khoái Châu) bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền sau khi nghe điện thoại và làm theo yêu cầu của chúng. Ông C. cho biết: Sáng ngày 9/5, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người lạ, đối tượng xưng danh là cán bộ công an, thông báo tôi có liên quan đến vụ án ma tuý, rửa tiền. Đối tượng yêu cầu tôi đến ngân hàng rút toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm rồi chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Do mất cảnh giác, đồng thời lo sợ do bị đối tượng đe dọa, tôi đã đến ngân hàng rút 300 triệu đồng rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau đó tôi mới biết mình đã bị lừa. Tôi đến Công an xã Hàm Tử và Công an huyện Khoái Châu trình báo vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tôi.
Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại lạ gọi điện đe doạ,
yêu cầu người dân chuyển tiền cho chúng
Tháng 2/2023, chị Nguyễn Thị Phương ở xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) cũng bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng internet. Chị Phương cho biết, chị nhận được lời mời làm cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử. Mỗi lần đặt lệnh làm tăng tương tác cho sàn, chị sẽ được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, chị Phương chuyển khoản 2,5 triệu đồng cho đối tượng mà không nhận được tiền hoa hồng mới biết là bị lừa…
Để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, các đối tượng phạm tội sử dụng rất nhiều thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng, điện thoại với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Cẩm nang nhận diện và phòng chống 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, như: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; Lừa đảo tuyển cộng tác viên online; Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; Đánh cắp thông tin Căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa… Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Tăng cường đấu tranh, chủ động phòng ngừa
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), những vụ lừa đảo bằng hình thức khác nhau song đều có chung một kịch bản là yêu cầu bị hại chuyển tiền đến một tài khoản chỉ định hoặc cung cấp mã OTP xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh rồi chiếm đoạt. Do nhẹ dạ cả tin, chủ quan nhưng cũng do lòng tham vì được hứa tặng quà, kinh doanh lãi khủng, việc làm lương cao nên đã có rất nhiều người sập bẫy, dẫn đến mất tiền.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, thời gian qua, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi để nâng cao nhận thức, phòng ngừa loại hình tội phạm này. Cùng với đó, đấu tranh, xử lý với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao. Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 37 vụ tội phạm, vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao.
Điển hình ngày 6/1/2023, Công an tỉnh đã triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Thế (sinh năm 1992) ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa (Phù Cừ) cầm đầu. Đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 10.000 bị hại trên địa bàn toàn quốc với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 10 tỷ đồng, trong đó có nhiều bị hại trên địa bàn tỉnh.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, cùng với công tác đấu tranh của lực lượng công an, thì mỗi người dân, tổ chức phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa để tránh không bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Luôn đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần chú ý, các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết...
Nguồn: https://baohungyen.vn