Là cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Hưng Yên vừa là vùng trời không quân ta tác chiến, vừa là nơi đặt các trận địa phòng không mạnh, tạo thành lưới lửa ngăn chặn máy bay địch bắn phá Thủ đô Hà Nội từ xa. Nhiều trận địa trở thành “tọa độ chết” chôn xác máy bay Mỹ…
Theo cuốn sách “Hưng Yên Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975)”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta, quân và dân Hưng Yên vừa tích cực lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng phòng không trên địa bàn bắn máy bay Mỹ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đồng thời đóng góp lương thực, thực phẩm phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Theo thống kê, trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Hưng Yên đã góp phần cùng với các lực lượng chiến đấu trên địa bàn tỉnh bắn rơi 85 máy bay địch.
Tại trận địa kè Mai Xá gần 60 năm trước là nơi ghi dấu chiến tích của dân quân xã Cương Chính (Tiên Lữ) dùng súng bộ binh bắn máy bay Mỹ. Những ngày tháng 4 lịch sử, dòng sông Luộc rì rào sóng vỗ như ngân vang chiến tích oai hùng của quân và dân nơi đây…

Bà Trần Thị Chúm, nguyên xã đội phó, chiến sĩ dân quân Trung đội dân quân xã Cương Chính (Tiên Lữ) bên trận địa từng bắn rơi máy bay Mỹ năm 1966
Theo tư liệu trong cuốn sách “Hưng Yên Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975)”, sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” năm 1964, Mỹ mở rộng chiến tranh, leo thang đánh phá miền Bắc. Khi đó, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Hậu cần tăng cường vận tải đường thủy nhằm giải tỏa nhanh hàng viện trợ. Sông Luộc, sông Hồng trở thành tuyến vận tải quan trọng nên máy bay địch liên tục trinh sát, dò tìm và công kích phương tiện vận tải, kho bãi...
Trong các ngày hạ tuần tháng 7 năm 1966, khu vực kè Mai Xá, nơi các ca nô và tàu của ta thường neo đậu xuất hiện nhiều máy bay trinh sát của địch, Tỉnh đội phán đoán địch sẽ đánh phá khu vực này. Để kịp thời đối phó, đêm 31.7.1966, Tỉnh đội điều động 8 khẩu đội súng 12,7mm của Đại đội 22 trực chiến ở Triều Dương (Tiên Lữ); phân đội trực chiến xã Trung Dũng (Tiên Lữ) có 12 người được trang bị 2 đại liên, 1 trung liên và 3 súng trường; phân đội trực chiến xã Cương Chính gồm 16 người được trang bị 10 súng trường nòng dài. Cụm 1 và cụm 2 trang bị 8 khẩu súng 12,7mm, bố trí tận xóm kè Mai Xá. Phân đội trực chiến tại xã Trung Dũng và xã Cương Chính bố trí trên mặt đê, tạo thành thế chân kiềng bổ trợ cho nhau. Toàn bộ trận địa đánh máy bay Mỹ ở tư thế sẵn sàng cho súng nhả đạn.

Bà Trần Thị Chúm, nguyên xã đội phó, chiến sĩ dân quân Trung đội dân quân xã Cương Chính chia sẻ về giây phút cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ
Bà Trần Thị Chúm, nguyên xã đội phó, chiến sĩ dân quân Trung đội dân quân xã Cương Chính, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng mỗi khi nhớ lại những giây phút lịch sử cùng đồng đội trực tiếp tham gia bắn rơi máy bay Mỹ, vẫn không khỏi tự hào và xúc động.
Theo lời kể, lúc bấy giờ, bà Chúm mới 22 tuổi, trực tiếp chỉ huy tổ 2, trong tổ còn 3 nữ dân quân khác tham gia. Gần trưa ngày 1.8.1966, một tốp máy bay cường kích A4D của địch kéo đến. Trên tầng cao, một tốp máy bay tiêm kích F4H cảnh giới đề phòng quân ta tiến công và yểm hộ cho tốp A4D cắt bom và phóng rốc két. Chiếc A4D bổ nhào đến độ cao 800m phóng rốc két bị các phân đội trực chiến tại Trung Dũng, Cương Chính bố trí trên đê bắn chặn, nên phóng chệch mục tiêu. Chiếc thứ 2 tiếp tục bổ nhào vào mục tiêu, bị 8 súng máy và 10 súng trường của ta nhả đạn đồng loạt đã bị trúng đạn, bốc cháy ngay trên bầu trời sông Luộc, kéo theo một vệt khói lớn về hướng Đông Nam. Hai chiếc F4 lượn tiếp một vòng rồi cũng bay hướng ra biển. Chiều 1/8/1966, Bộ Tổng tham mưu thông báo chiếc máy bay A4D đã rơi xuống biển.
Với chiến công này, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, Tỉnh đội làm Huy hiệu “1-8” để ghi nhớ và biểu dương chiến công bắn rơi máy bay đế quốc Mỹ; Đại đội 22, phân đội dân quân trực chiến xã Cương Chính, xã Trung Dũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công; tỉnh Hưng Yên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cầu Long Biên (Hà Nội) trở thành trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Các bến phà dọc sông Hồng, trong đó có bến phà Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang) trở thành tuyến đường huyết mạch để vận chuyển hàng hóa. Khi đó, bến phà Mễ Sở trở thành kho bãi của quân đội, tập kết hàng nghìn tấn vũ khí, trang bị để đưa vào tiếp tế cho miền Nam. Mỗi ngày đêm có hàng trăm xe vận tải quân sự vượt sông Hồng trên bến phà này chuyển hàng hóa an toàn, nhanh chóng sang Quốc lộ 1 đi vào chiến trường miền Nam. Do vậy, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Để bảo đảm giao thông thông suốt, công tác phòng không Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở Mễ Sở phát triển mạnh mẽ.

Bến phà Mễ Sở (Văn Giang) ngày nay
Theo những tư liệu trong cuốn lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Mễ Sở (1930 - 2005), 13h30 phút ngày 17.11.1967, một tốp máy bay địch bổ nhào vào ném bom phà Mễ Sở, một tốp khác đánh các khu lân cận, ném bom sát trận địa, làm đổ hậu cung đền Đa Hòa (Khoái Châu). Các đơn vị của ta bình tĩnh chiến đấu theo phương án, không phân tán hỏa lực. Khi chiếc A4D bổ nhào xuống độ cao khoảng 500m để cắt bom, các trận địa phòng không mới đồng loạt nhả đạn. Chiếc máy bay này trúng đạn, bốc cháy dữ dội và rơi tại xã Tân Châu (Khoái Châu), cách trận địa gần 8km. Tên giặc lái nhảy dù bị dân quân bắt sống. Với chiến công này, Đại đội dân quân tập trung huyện Khoái Châu (bảo vệ khu phà Mễ Sở) được tặng thưởng Huân chương Quân công. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về trận địa biểu dương tinh thần cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia chiến đấu.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ca khúc khải hoàn, tại những trận địa chôn xác máy bay địch năm xưa giờ đã “thay da, đổi thịt”. Dấu tích chiến tranh xưa nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng san sát, những công trình phúc lợi khang trang, sạch đẹp, những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lì tô điểm vạt hoa rực rỡ sắc màu, đời sống người dân không ngừng được nâng cao... Dòng sông Luộc giờ đây tàu, thuyền tấp nập ngược xuôi, thả tiếng còi lảnh lót vào không gian làm sống động vùng quê lúa. Và bến phà Mễ Sở, chứng tích anh hùng, giờ cần mẫn kết nối giao thương, đi lại giữa đôi bờ sông Hồng tạo điều kiện để người dân Mễ Sở năng động, sáng tạo, ra sức thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn: https://baohungyen.vn/