Sáng ngày 20/7, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với 18 tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với bão số 3 (Wipha). Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hưng Yên.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự báo chiều ngày 21/7, bão Wipha đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 – 11, giật cấp 14. Ngày 22/7, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng đến 18 tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến tỉnh Nghệ An. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200 – 350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.

Đại diện Đài khí thượng thủy văn tỉnh báo cáo tình hình bão số 3 tại điểm cầu Hưng Yên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo về diễn biến bão; tình hình tàu, thuyền, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp; tình hình hồ chứa, đê điều; công tác chỉ đạo ứng phó với bão Wipha của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương… Đồng thời, thảo luận các giải pháp ứng phó khi bão Wipha đi vào đất liền. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản khi bão vào đất liền; việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo; công tác bảo đảm an toàn các đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu; công tác chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp; việc duy trì chế độ thông tin liên lạc, bảo đảm lưới điện khi có mưa bão…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão Waphi là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Để chủ động ứng phó với bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho các tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn; thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân…
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các sở, ngành, địa phương của tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Wipha, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản mà bão gây ra. Trong đó, khẩn trương rà soát, kiện toàn hoạt động ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trên quan điểm bám sát địa bàn, chỉ đạo kịp thời. Kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng ứng phó với bão, mưa, lũ, ngập lụt cho người dân. Khẩn trương kiểm đếm, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát, di dời lao động nuôi, trồng thủy sản, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê kè, cống xung yếu, các công trình đang triển khai thi công trên các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê cửa sông, đê biển. Các đơn vị khai thác, vận hành công trình thủy lợi khẩn trương tiêu thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi, đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa, hoa màu, khu công nghiệp, khu đô thị. UBND các xã, phường chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương khơi thông dòng chảy, triệt để tiêu nước trên mặt ruộng để bảo vệ sản xuất; sẵn sàng kích hoạt các trạm bơm để bơm tiêu úng khi có yêu cầu. Duy trì chế độ thông tin liên lạc, trực chỉ huy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Chủ động cắt, tỉa cây xanh, bảo đảm an toàn hệ thống viễn thông, lưới điện. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẵn sàng bố trí lực lượng hỗ trợ các địa phương, người dân chống bão và hộ đê.
Nguồn: Baohungyen.vn