Thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn khi tiến hành thanh tra, đồng thời có cơ chế bảo mật thông tin người tố cáo.
.jpg)
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 22/5, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để phòng, chống tham nhũng
Hạn chế chồng chéo, trùng lặp
Cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quy định tại Quy định số 191-QĐ/TƯ ngày 29/10/2024 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đại biểu, sau khi sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra cùng với tăng cường kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động này.
“Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề này khi cho rằng cần hạn chế chồng chéo trong thanh tra để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đây là nội dung quan trọng, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung,” đại biểu kiến nghị.
Cũng nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội khi bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó cơ quan thanh tra tỉnh “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.”
Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn Cao Bằng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh để thống nhất với Quy định số 191-QĐ/TƯ để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, về nguyên tắc hoạt động thanh tra trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.
“Tôi cho rằng quy định như vậy chưa đầy đủ, vì thực tiễn ngoài hoạt động thanh tra còn có các hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp cũng như các cơ quan thẩm quyền. Vì thế, việc quy định này cần làm rõ để không làm ảnh hưởng hoạt động của đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân khác,” đại biểu Quốc hội đoàn Cao Bằng kiến nghị.
Bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của đại biểu Đoàn Thị Lê An về các nguyên tắc nhằm tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo đưa nội dung này vào phần nguyên tắc của dự thảo Luật. Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, các cơ quan, đơn vị cùng một lúc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị này.
Về chức năng của cơ quan thanh tra trong Điều 5, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng trong lần sửa đổi này, bên cạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong phòng, chống lãng phí.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo Luật là cơ quan thanh tra có chức năng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các quy định về phòng, chống lãng phí,” đại biểu Yến Nhi kiến nghị.
Quy định rõ hành vi sách nhiễu
Về hình thức thanh tra, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm chủ thể phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra đột xuất, đồng thời, bổ sung các tiêu chí, quy định để có cơ chế tổ chức kế hoạch thanh tra đột xuất cho phù hợp để tránh tùy nghi trong tổ chức thực hiện ở các đơn vị được thanh tra.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), cơ quan soạn thảo cần bổ sung việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra; bổ sung kế hoạch thanh tra công khai và chia sẻ thông tin với cơ quan kiểm toán Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan trong quá trình thanh tra để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện.
Trường hợp phát hiện có sự trùng lắp, chồng chéo, cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm phối hợp điều chỉnh hoặc tạm dừng kế hoạch thanh tra để đảm bảo rõ ràng, hiệu quả, tránh gây phiền hà cho đối tượng thanh tra.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo nêu ví dụ, có bằng chứng việc cơ quan thanh tra nhận được thông tin tố giác rõ ràng nhưng không hành động trong thời gian nhất định, do đó, cần có cơ chế giám sát nội bộ, như yêu cầu thủ trưởng cơ quan thanh tra báo cáo định kỳ về trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra để đảm bảo tính minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần có quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, đảm bảo bảo mật thông tin cho người tố cáo. (Ảnh: quochoi.vn)
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản với cơ quan cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ khi không có quyết định thanh tra dù có dấu hiệu vi phạm, trừ trường hợp thuộc bí mật Nhà nước, chức năng trách nhiệm giải trình…
“Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, ví dụ yêu cầu cung cấp tài liệu không liên quan đến việc thanh tra hoặc kéo dài thời hạn thanh tra không có nguyên nhân chính đáng, mặt khác gây cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra thì cần có quy định về tiếp nhận và xử lý tố cáo từ đối tượng thanh tra về hành vi hối lộ, sách nhiễu thông qua hệ thống số hóa, đảm bảo bảo mật thông tin cho người tố cáo,” đại biểu đề nghị.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm, song đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban kiểm tra các cấp, do vậy cần quy định rõ, với cùng 1 vụ việc cơ quan nào tiến hành trước, cơ quan nào tiến hành sau, tránh chồng chéo.
Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đồng tình với việc không tổ chức thanh tra Bộ, ngành, Sở ngành, song thực tế vẫn phải thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, vì vậy dự thảo Luật cần quy định bộ phận tham mưu giải quyết vấn đề này .
Về thời hạn thanh tra, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị không nên kéo dài thời gian cuộc thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan doanh nghiệp, việc xác minh thông tin cũng cần tiến hành càng nhanh càng tốt không nên kéo dài.
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu tại thảo luận tổ và 22 ý kiến phát biểu hội trường hôm nay.
Cụ thể, các nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành; xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước; kinh phí trích cho các cơ quan thanh tra… Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua tại kỳ họp này./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/