Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung nguồn lực kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng Hội ngày vững mạnh, tăng cường đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo.

Trao các giải tại hạng mục "Giao diện điện tử Tết ấn tượng" cho đại diện các cơ quan báo chí tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
75 năm xây dựng, phát triển (21/4/1950-21/4/2025), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp vững mạnh, tập hợp và đoàn kết đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Góp phần khẳng định vị thế người làm báo Cách mạng Việt Nam
Ngày 21/4/1950 - cách đây 75 năm, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Đây cũng là một trong những Hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp ra đời sớm nhất. Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, trong khu ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập. Trong ảnh: Các nhà báo Việt Nam và quốc tế dự Đại hội lần thứ 1 - Hội Những người làm báo Việt Nam, ngày 21/4/1950. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sỹ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đó đến các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp.
Nhiệm vụ của Hội từ khi thành lập đến nay là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Nối tiếp truyền thống 75 năm kể từ khi thành lập, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của nhân dân, trong những năm qua, các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động Hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân và của cả hệ thống chính trị, góp phần rất quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế cùng hiểu biết về những thành tựu, những kết quả quan trọng của đất nước đạt được trong thời gian vừa qua.

Gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam thu hút đông đảo đại biểu và bạn đọc tới tham quan tại Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022, sáng 13/4/2022. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Đội ngũ các hội viên nhà báo không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần cống hiến, dấn thân vì lợi ích của đất nước và nhân dân; tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm.
Nỗ lực này đã đảm bảo việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho các hội viên và các cấp hội trong việc vượt qua những thách thức, nâng cao hiệu quả công tác và khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của người làm báo Việt Nam trong xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, điểm đáng chú ý trong thời gian qua là sự đổi mới trong phương thức chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam.
Chuyển hướng mạnh mẽ về cơ sở, tập trung vào những vấn đề cốt lõi và bám sát thực tế hoạt động của từng cấp Hội, cách tiếp cận này đã giúp Hội Nhà báo Việt Nam kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra những chỉ đạo phù hợp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm và coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, góp phần đảm bảo mọi hoạt động của Hội diễn ra theo đúng định hướng và quy định.
Giữ vững "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" trong kỷ nguyên số
Hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập, đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hành trình về nguồn, thành kính dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trong Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa; tham quan Di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa; thăm Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Tại những địa điểm ý nghĩa này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các bậc tiền bối; đồng thời hứa với các thế hệ nhà báo đi trước: Dù đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, dù thế giới đang đổi thay biến động, phẩm chất kiên trung của người làm báo cách mạng trong mỗi chúng tôi vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu, tiếp nối truyền thống vẻ vang, viết tiếp bản hùng ca báo chí cách mạng bằng ngôn ngữ của thời đại số, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng những thách thức mới mà thế hệ nhà báo đương đại phải đối mặt, không còn là bom đạn chiến tranh mà là "hàng ngàn, hàng vạn tin giả, đối mặt với bão thông tin hỗn loạn từ mạng xã hội." Mỗi nhà báo phải trở thành "chiến sỹ biên phòng" trên không gian mạng, bảo vệ độc giả và giữ vững "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" trong kỷ nguyên số.
Cùng với cấp Trung ương, những ngày qua trên khắp mọi miền đất nước, các cấp Hội Nhà báo đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử, bản sắc và vai trò của Báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời, khẳng định vị trí, đóng góp của Hội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tri ân các thế hệ nhà báo tiền bối, tưởng nhớ công lao của các nhà báo cách mạng đầu tiên.
Các hoạt động cũng nhằm biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; tuyên truyền, giáo dục truyền thống nghề nghiệp, nâng cao đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo; khơi dậy niềm tự hào, ý chí tiếp bước truyền thống của báo chí cách mạng; động viên, cổ vũ hội viên nhà báo khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng, đấu tranh chống thông tin xấu độc, bảo vệ chân lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khẳng định vai trò của báo chí trong thời kỳ mới, đặc biệt trong công tác thông tin, định hướng dư luận và đổi mới sáng tạo.

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN," nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí, truyền thông, từ đó tối ưu hóa quản trị tòa soạn, tạo ra những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn đến công chúng (2023). (Nguồn: TTXVN)
Phát huy truyền thống 75 năm, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nghiêm túc, khẩn trương triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, với những bước đi cụ thể trong việc sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế; chuẩn bị kế hoạch tổ chức Đại hội XII của Hội (dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu quý II/2026) - đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Hội.
Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung nguồn lực cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, tăng cường đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên.
Với những nỗ lực, quyết tâm cao, Hội Nhà báo Việt Nam đang vững bước trên con đường phát triển, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng của đất nước - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/