KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 12/05/2025 - Lượt xem: 37
Miễn viện phí: Thêm một bước tiến lớn theo hướng “dân thụ hưởng”

Sau quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh thì việc miễn viện phí cho toàn dân là bước tiếp theo rất có ý nghĩa theo hướng “dân thụ hưởng” từ việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (ngày 23/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035.

Tiếp đó, ngày 6/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, trả lời về ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư liên quan tới việc miễn viện phí toàn dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ:“Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài và là mục tiêu mà ngành y tế đang quyết tâm thực hiện, đây còn là một chính sách chạm tới trái tim của hàng triệu dân và cũng là niềm mong mỏi của người dân.”

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, việc thực hiện chủ trương miễn viện phí toàn dân sẽ có tác động tích cực như tăng tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, tăng cơ hội thoát nghèo; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đồng nghĩa với lực lượng lao động năng suất hơn, góp phần tăng trưởng GDP và giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế.

Ở giai đoạn sớm hơn, từ năm 2026 đến năm 2030, dự kiến sẽ có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vaccine đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe tâm thần, y tế học đường, sàng lọc nguy cơ sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, quản lý bệnh mạn tính, khám bệnh, chữa bệnh đa khoa tổng quát, y học gia đình ngay từ y tế cơ sở.

Người dân đến khám bệnh đăng ký tại quầy tiếp đón. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sẽ có 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trong suốt vòng đời, được sống trong môi trường xanh, sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý; người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm, chăm sóc xã hội.

Vào năm 2035, với 100 triệu người dân và chi phí khoảng 250.000 đồng/lần khám thì số tiền mà ngân sách nhà nước chi ra để khám sức khỏe định kỳ cho người dân mỗi năm một lần là khoảng 25.000 tỷ đồng.

Đến năm 2045, hệ thống y tế của Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí y tế, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, góp phần đưa Việt Nam thuộc nhóm quốc gia hàng đầu thế giới về bảo đảm an sinh xã hội trong y tế.

Sau quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh thì việc miễn viện phí cho toàn dân là bước tiếp theo rất có ý nghĩa theo hướng “dân thụ hưởng” từ việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Như chúng ta đã biết, ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho tất cả học sinh từ mầm non (từ 3 tháng tuổi) đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc, bắt đầu vào năm học 2025-2026.

Khoản ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện chủ trương miễn học phí cho toàn bộ học sinh công lập là khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong năm học 2024-2025 cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh (không bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), trong đó có: 3,1 triệu học sinh mầm non dưới 5 tuổi; 1,7 triệu học sinh mầm non 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và 3 triệu học sinh trung học phổ thông.

Ngành giáo dục vốn rất được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm và được hưởng nhiều chính sách ưu tiên.

Tỷ lệ chi cho giáo dục trên tổng ngân sách của Việt Nam ngang bằng hoặc vượt nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Mức đầu tư cho giáo dục ở nước ta hằng năm đạt khoảng 17-19% tổng chi ngân sách, một tỷ lệ khá cao so với Mỹ (13%), lớn hơn Indonesia (17,5%) và gần bằng Singapore (19,9%)...

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đã đề ra mục tiêu là phần chi cho giáo dục phải đạt tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước.

Tính theo tỷ lệ tổng sản phẩm nội địa (GDP), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam từ ngân sách nhà nước tương đương 4,9%. Năm 2024, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được chi gần 381.000 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện tại, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đạt 100% mức chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.

Bên cạnh lĩnh vực giáo dục thì ngành y tế Việt Nam cũng được quan tâm và đầu tư lớn. Từ năm 2008 (thời điểm Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội được ban hành) đến nay, chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đã đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách.

Tổng chi toàn xã hội (không chỉ từ ngân sách nhà nước) cho chăm sóc sức khỏe được duy trì ở mức 6% GDP từ năm 2015 đến nay.

Năm 2024, cả nước có gần 432.000 nhân lực y tế, đạt mức 14 bác sỹ trên 10.000 dân, có 1.645 bệnh viện, trong đó 34 bệnh viện tuyến trung ương, gần 500 bệnh viện thuộc tỉnh.Tuổi thọ của người dân được nâng cao đáng kể.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng từ khoảng 38 vào năm 1945, lên 60 ở giai đoạn 1975-1980 và lên mức 74,5 tuổi vào thời điểm hiện nay.

Khám bệnh cho trẻ em. (Nguồn: TTXVN)

Thành tựu giáo dục và y tế của Việt Nam song hành với sự phát triển kinh tế của đất nước, cụ thể là mức tăng GDP.

Vào năm 1974 quy mô nền kinh tế của cả miền Bắc và miền Nam cộng lại chưa đầy 22 tỷ USD. Trong giai đoạn 1976-1980 tốc độ tăng GDP chỉ đạt 1,4%, thậm chí vào năm 1980 mức tăng GDP là âm 1%.

Đến năm 2024, GDP của Việt Nam đã đạt mức 476,3 tỷ USD (gấp gần 129 lần so với năm 1975), đứng thứ 24 trên thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).

Năm 2025, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 506 tỷ USD.Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1989 chỉ có 96 USD, đến năm 2009 nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình là 1.120 USD.

Năm 2024, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD (tương đương 114 triệu đồng), gấp 58,75 lần so với năm 1975.

Vào năm 2024, GDP của Việt Nam xếp thứ 5 ở Đông Nam Á, thứ 14 ở châu Á và thứ 33 trên thế giới.

Những con số nói trên minh chứng cho chủ trương của Đảng và Nhà nước ta - phát triển đất nước là để người dân thụ hưởng, theo tinh thần lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương vào ngày 8/1/2025: “Thành quả của tăng trưởng phải đến tất cả mọi người dân một cách hài hòa, công bằng, bình đẳng, khuyến khích phát triển.”

Chính sách “dân giàu-nước mạnh” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.

Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Người nêu rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (tháng 1 và tháng 2/2021) đã bổ sung cụm từ “dân thụ hưởng” vào phương châm hành động vốn dĩ đã rất quen thuộc là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” để trở thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan