Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên. Số 14, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Điện thoại 02213.863.577
BCĐ PTTĐ DÂN VẬN KHÉO
Đăng ngày: 09/01/2024 - Lượt xem: 94
Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" tỉnh Hưng Yên

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác dân vận. Người chỉ ra rằng, quần chúng Nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng để Nhân dân nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt trách nhiệm của mình.

Trong bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của công tác dân vận:“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày một phát triển, giàu mạnh và văn minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tuyết, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm mô hình HTX Quyết Thắng, xã Tân Hưng, Tp Hưng Yên Ảnh: Tư liệu

Nhận thức rõ về ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động vào năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ và giao Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực của BCĐ tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Sau khi thành lập, BCĐ tỉnh đã xây dựng Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ; định kỳ họp rút kinh nghiệm và hàng năm đều ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện. Ban Dân vận Tỉnh ủy - cơ quan thường trực BCĐ tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; đồng thời, hằng năm đều tiến hành kiểm tra, đánh giá, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào, biểu dương khen thưởng cách làm hay, mô hình tốt, hiệu quả về  thực hiện phong trào thu đua “Dân vận khéo”, từ đó đề ra giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo.

Xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, các cấp ủy trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” sát với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Các cấp chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất đó, đến nay toàn tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và nhân rộng được 2.478 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cụ thể như:

Trên lĩnh vực kinh tế: có 661 mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo chuỗi… góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 98 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã nông thôn mới kiểu mẫu, có 103 khu dân cư kiểu mẫu; 10/10 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: có 981 mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, đơn vị, địa phương như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; các “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Tổ hòa giải”, “Khu dân cư 3 không”... Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hóa mới; xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Hoạt động xây dựng trưởng chuẩn quốc gia được quan tâm, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 428/539 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 79,4%); tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,6%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều mới còn1,94 %; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 89,7%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92,2%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 92%.

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng: Có 444 mô hình “Dân vận khéo”, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phong phú, có ý nghĩa và đạt hiệu quả thiết thực. Các đơn vị lực lượng vũ trang thực hiện tốt quy chế phối hợp với các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, công nhân viên chức lao động, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm chắc tình hình Nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phát sinh ở cơ sở; cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị; tham gia đấu tranh giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự được củng cố và tăng cường, năm 2022 đã xử lý 422 vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu nộp vào ngân sách nhà nước 4,6 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Có 392 mô hình “Dân vận khéo”, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, vận động Nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân; mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân. Đặc biệt là Mô hình “Dân vận khéo” Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai xây dựng điểm ở 06 xã, phường thuộc 06 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bước đầu thực hiện làm điểm, các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực và đang được nhân rộng ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tổ chức tốt các mô hình, tổ tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần chuyển biến rõ rệt trong cải cách hành, các chỉ số hành chính được cải thiện đáng kể. Từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong những năm qua có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hiệu quả, được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, công tác vận động quần chúng và phong trào “Dân vận khéo”; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân. Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đã phát huy, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh những năm qua còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chưa gắn việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; việc đăng ký, xây dựng, triển khai các mô hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít. Công tác hướng dẫn, theo dõi việc xây dựng, đánh giá hiệu quả của các mô hình, điển hình còn chồng chéo, chưa rõ chủ thể quản lý và xây dựng; việc lựa chọn, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có nơi thiếu cụ thể, chưa phân biệt rõ mô hình “Dân vận khéo” với các phong trào, cuộc vận động của tổ chức Hội, Đoàn thể.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, hệ thống dân vận tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo thực hiện công tác Dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 28/7/2021 của BCĐ tỉnh về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn 01-HD/BCĐ ngày 18/8/2021 về việc Hướng dẫn xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo”… nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chú trọng biểu dương, khen thưởng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để nhân rộng./.

Nguồn: Bản tin Dân vận số 67

Tin liên quan