KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 29/07/2023 - Lượt xem: 699
Ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính khi tham gia giao thông đường thủy

Dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn cả nước trong thời gian qua nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc mặc áo phao, đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy.

Nhiều người dân đi phà tại Bến phà Bình Minh (Khoái Châu) không mặc áo phao
Ở tỉnh hiện nay có 15 bến phà, bến khách ngang sông đang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân. Thời điểm này đang bước vào mùa mưa bão, tuy nhiên tình trạng người dân và chủ các phương tiện giao thông đường thủy chủ quan, không thực hiện quy định mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh theo quy định diễn ra khá phổ biến.
Bến phà Bình Minh (Khoái Châu) trung bình mỗi ngày vận chuyển khoảng vài chục đến hàng trăm lượt khách qua sông. Phương tiện được trang bị hơn 20 bộ áo phao và nhiều phao tròn để bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông. Tuy nhiên, khách qua phà không ai mặc áo phao nên số áo phao này hầu như chỉ để “trang trí” hoặc cất gọn vào một chỗ. Khi được hỏi tại sao không mặc áo phao hoặc trang bị dụng cụ nổi cầm tay, hầu hết hành khách đi phà đều trả lời là do thời gian đi phà ngắn, mặc vào thấy vướng víu và không thấy ai nhắc nhở nên không mặc…
Không chỉ có bến phà Bình Minh mà tại nhiều bến khách ngang sông khác như: Bến đò Phương Trù, bến phà Đại Tập (Khoái Châu), bến phà Mễ Sở (Văn Giang)… đều diễn ra tình trạng tương tự. Thực tế trên nhiều chiếc phà hiện nay, áo phao được trang bị chỉ để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng là chính. Còn người đi phà vẫn thờ ơ với những chiếc áo quan trọng này. Thực tế thời gian qua cho thấy, tai nạn giao thông đường thủy mỗi khi xảy ra đều để lại những hậu quả rất lớn về người và phương tiện. Trong đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông đường thủy. Đồng chí Lê Ngọc Hưng, Ủy viên chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho biết: Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thuỷ, đặc biệt tại bến khách ngang sông là rất lớn. Từ việc sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện, đến ý thức của người tham gia giao thông đường thuỷ tại một số địa phương, một số nơi còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, tình trạng không mặc áo phao khi đi qua phà, đò rất phổ biến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi không may xảy ra các sự cố chìm đò, chìm phà.
Từ lâu, quy định bắt buộc hành khách đi đò, phà phải mặc áo phao đã được đưa vào luật và có chế tài xử phạt nghiêm. Theo Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành vi không mặc áo phao khi đi đò, phà bị phạt đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, đối với hành vi không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm cho người, hành khách trên phương tiện thì người lái phương tiện bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo chuyến cố định mà không có bảng hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm có thể bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng… Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt hành vi này trên địa bàn tỉnh còn chưa nghiêm.
Để quy định về việc mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt ngăn chặn kịp thời tình trạng trên. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và các chủ phương tiện đò, phà, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tiến hành rà soát, kiểm tra một cách toàn diện các tàu, thuyền tại các bến thủy nội địa. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định không mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm đối với đơn vị quản lý địa bàn nơi có bến thủy nội địa cũng như quy trách nhiệm, xử lý nghiêm các chủ phương tiện không chấp hành; trường hợp cần thiết, có thể buộc ngừng hoạt động nếu cố tình vi phạm.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan