Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường thông tin về tội phạm lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, loại tội phạm này đang gia tăng, diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khó nhận diện hơn.
Giao dịch đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông, internet tại Viettel Hưng Yên (Ảnh minh hoạ)
Cuối tháng 6/2022, chị Đ.T.H.D ở thị trấn Ân Thi (Ân Thi) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là công an. Đối tượng thông báo chị D cho người khác thuê 1 chiếc xe ô tô gây tai nạn giao thông, đồng thời có hành vi bán tài khoản ngân hàng cho một đường dây tội phạm. Để chứng minh mình vô tội, chị D đã bị bọn chúng dẫn dụ thực hiện nạp tiền vào tài khoản cá nhân của mình theo hướng dẫn của đối tượng. Sau đó, đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị D thực hiện một số thao tác cài đặt trên điện thoại di động qua một số ứng dụng và yêu cầu chị D cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, bọn chúng đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt của chị D số tiền lớn.
Chị Đ.T.T ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm) lại mắc bẫy các đối tượng lừa đảo trực tuyến khi bị dẫn dụ kiếm tiền bằng cách click vào đường link lạ. Tối hôm đó, sau khi xong hết công việc nhà, chị T lướt facebook như mọi ngày. Bỗng nhiên chị nhận được tin nhắn messenger thông báo chị có cơ hội nhận được số tiền 5 triệu đồng nếu làm theo hướng dẫn. Tò mò, chị T bấm vào đường link bên dưới và làm theo hướng dẫn. Ban đầu, kẻ xấu chỉ yêu cầu chị nộp vào số tiền vài trăm nghìn đồng để được nhận về 5 triệu đồng nhưng sau một thời gian dẫn dụ, số tiền chị nộp vào đã lên tới cả chục triệu rồi trăm triệu đồng. Không có tiền để nộp, chị hỏi vay người thân, bạn bè. Khi số tiền nộp vào đã quá lớn, chị T mới giật mình nghĩ mình bị lừa thì kẻ lừa đảo đã “lặn mất tăm”.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc lừa đảo trực tuyến đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, dễ dàng hoặc lo sợ vướng vào các vụ việc vi phạm pháp luật để dẫn dụ người dân mắc bẫy.
Thời gian gần đây, một hình thức lừa đảo trực tuyến mới tinh vi, khó nhận biết hơn xuất hiện không chỉ chiếm đoạt tài sản mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dân. Kẻ xấu sử dụng công nghệ AI giả hình ảnh, giọng nói của người thân để gọi video lừa đảo hoặc giả danh cán bộ y tế, giáo viên thông báo người nhà của nạn nhân bị tai nạn phải cấp cứu gấp và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022. Có 3 nhóm lừa đảo chính gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác được thể hiện dưới 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng là: Người cao tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng. Với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi, công việc khác nhau, kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù, các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông, báo chí đã có nhiều cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng vẫn có nhiều người dân sập bẫy. Đa phần nạn nhân là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí... Do vậy, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng cần được tăng cường. Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trước thực trạng gia tăng các vụ việc lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong Nhân dân, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”. Chiến dịch triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023 dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng, tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Các đối tượng lừa đảo trực tuyến tận dụng sự phát triển của công nghệ để tạo ra hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn, khó nhận diện hơn. Do vậy, bản thân mỗi người dân khi hoạt động trên không gian mạng cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản và luôn đề cao cảnh giác. Người dân tuyệt đối không làm theo các hướng dẫn khi nhận được tin nhắn mang lại lợi ích hay các cuộc gọi đến từ số máy lạ, các số máy có đầu số nước ngoài, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ việc qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác; không click vào những đường link lạ; chia sẻ với người thân, bạn bè các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo trực tuyến và trình báo cơ quan công an gần nhất khi phát hiện hoặc nghi vấn có hành vi lừa đảo.
24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam
1 Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.
2 Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice (sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và các thuật toán phức tạp để giả hình ảnh, giọng nói)
3 Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
4 Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
5 Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
6 Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
7 Giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
8 Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,…
9 Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…)
10 Lừa đảo SMS Brandname (giả tin nhắn của tổng đài hỗ trợ hoặc chăm sóc khách hàng), phát tán tin nhắn giả mạo
11 Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
12 Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.
13 Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
14 Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát Nhân dân, tòa án Nhân dân gọi điện lừa đảo.
15 Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
16 Đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng.
17 Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
18 Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
19 Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
20 Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
21 Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
22 Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,…
23 Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook
24 Lừa đảo cho số đánh đề.
Nguồn: https://baohungyen.vn