Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại các Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022; số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022; số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022. Theo đó, căn cứ vào đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền trên cả nước mà Chính phủ ban hành quy định các tiêu chí cụ thể. Tỉnh Hưng Yên thuộc Đồng bằng Sông Hồng là vùng quy định thực hiện các tiêu chí yêu cầu cao nhất.
Xác định bảo vệ môi trường nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên xử lý rác thải và nước thải dân sinh như: Nghị quyết số 08/NQ-TU, ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quy định thành lập và hoạt động của Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại cơ sở trên địa bàn tỉnh; Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng đoàn công tác kiểm tra tuyến đê trồng hoa,
trồng cây của người dân tại thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động
Để tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định về bảo vệ môi trường và công tác phân loại, xử lý rác thải trên Bản tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh 02 số/năm, trên Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường; Hội nghị báo cáo viên, Bản tin thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Báo Hưng Yên xây dựng và duy trì chuyên mục Tài nguyên và Môi trường 02 số/tháng, đăng tải có nhiều phóng sự phát thanh, truyền hình về môi trường, tuyên truyền, phổ biến về phân loại, xử lý rác thải, nêu gương người tốt, việc tốt trong phân loại, xử lý rác thải, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kết quả, 06 tháng đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hội Cựu chiến binh tỉnh; Hội Người cao tuổi tỉnh; Hội Nông dân huyện Khoái Châu; Trung tâm chính trị huyện Kim Động; Hội Nông dân huyện Khoái Châu tổ chức 09 cuộc tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cho 1.200 đại biểu là các cán bộ, hội viên, đoàn thể và người dân trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào nề nếp; cảnh quan môi trường nông thôn có diện mạo mới, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường sống cho người dân nông thôn, cụ thể: Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt khoảng 620 tấn/ngày, 81% (tổng lượng phát sinh khoảng 767 tấn/ngày); lượng rác được xử lý khoảng 430 tấn/ngày, 56% (so với tổng lượng rác phát sinh). Thành lập và duy trì hoạt động 915 tổ vệ sinh môi trường; 39 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường tại các huyện: Văn Giang, Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu; 08 huyện và thị xã Mỹ Hào giao Hạt giao thông thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho 100% thôn, khu dân cư nông thôn; 02 khu xử lý chất thải tập trung; đầu tư 03 lò đốt rác thải sinh hoạt với công suất thiết kế 250 tấn/ngày; khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên thực hiện xử lý rác thải cho thành phố bằng công nghệ chôn lấp rác thải với công suất 100 tấn/ngày đêm; có 138.819 hộ gia đình tại 154/161 cấp xã thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, đạt 40,41% số hộ gia đình của tỉnh, là một trong những tỉnh có tỷ lệ thực hiện cao nhất cả nước. Đã xây dựng, lắp đặt được 08 mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh; trồng và chăm sóc trên 2.000 tuyến/đoạn/đường hoa với tổng chiều dài gần 600 km; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chỉnh trang hàng rào, cải tạo vườn để tạo cảnh quan môi trường. Còn 02/4 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tích cực thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm (làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh và làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm); đồng thời, kiểm tra, quyết định thu hồi công nhận làng nghề đối với các làng nghề không đảm bảo đạt tiêu chí về bảo vệ môi trường (thu hồi Bằng công nhận làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào).
Để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại 18 xã của các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Giang phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao năm 2023 (theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên). Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí môi trường còn tồn tại một số hạn chế: vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ra đường giao thông, công trình thủy lợi gây mất mỹ quan; còn lượng lớn rác thải sinh hoạt đang tồn đọng tại các điểm tập kết, bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường; chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để gây bức xúc cho người dân; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được xử lý theo quy định; hầu hết nước thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường; nhiều địa phương chưa có kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt theo Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; một số địa phương chưa quan tâm, chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường: việc trồng cây, trồng hoa chưa thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang cỏ dại, cây dại; số hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn thấp so với mục tiêu của tỉnh đề ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh và hoàn thành mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường tuyên truyền doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông; không đổ, đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường; vận động nhân dân không chăn nuôi tập trung trong khu dân cư; quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, di dời các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi trong khu dân cư ra khu vực chăn nuôi tập trung.
Tăng cường quản lý, vận hành tốt các bãi chôn lấp, điểm tập kết chất thải; thường xuyên dọn vệ sinh, phun chế phẩm khử mùi và hóa chất diệt côn trùng tại các bãi rác; tuyên truyền, vận động Nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, xử lý nghiêm hành vi đổ, đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Phù Cừ, huyện Khoái Châu để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt phát sinh.
Chỉ đạo triển khai việc xây dựng mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương trên cơ sở mức giá dịch vụ tối đa theo Quyết định số 1545/QĐ-UBND, ngày 02/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện hệ thống thoát nước công cộng và bố trí nắp đậy cống thoát nước thải sinh hoạt tại các thôn, xã. Thực hiện có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; vận động toàn thể Nhân dân tại các thôn, khu dân cư tổ chức dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; phát quang cỏ dại, thu dọn chất thải, phế thải; trồng hoa, cây xanh hai bên ven đường để tạo cảnh quan môi trường. Xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; vệ sinh đường làng ngõ xóm và các khu vực công cộng; trồng và chăm sóc cây bóng mát, hoa, cây cảnh; câu lạc bộ, đội tuyên truyền bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút sự tham gia của cộng đồng./.
Trần Đăng Anh