KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đăng ngày: 08/05/2025 - Lượt xem: 19
Sửa đổi Hiến pháp: Bước ngoặt tinh gọn bộ máy và nâng cao giám sát xã hội

Sửa đổi Hiến pháp là một sự kiện pháp lý quan trọng, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.

Đại biểu Trần Anh nhấn mạnh đợt sửa đổi Hiến pháp lần này mang tính bước ngoặt, tạo tiền đề quan trọng cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước.

Trước yêu cầu đổi mới đổi mới và phát triển của đất nước, việc sửa đổi Hiến pháp được xem là một bước đi chiến lược, tạo tiền đề cho những thay đổi sâu rộng trong bộ máy hành chính và hệ thống pháp luật.

Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ về những điểm mới, ý nghĩa và tác động của việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là trong bối cảnh tinh gọn bộ máy và tăng cường vai trò giám sát của xã hội.

- Thưa Đại biểu, ông đánh giá như thế nào về việc sửa đổi Hiến pháp lần này, đặc biệt là so với những lần sửa đổi trước đây?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng đợt sửa đổi Hiến pháp lần này mang tính bước ngoặt, tạo tiền đề quan trọng cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Chúng ta đang hướng tới một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Việc sửa đổi Hiến pháp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, một nền tảng để chúng ta tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Ví dụ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội cần được điều chỉnh để phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Điều này sẽ giúp hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả hơn.

- Thưa Đại biểu, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy và phân cấp quản lý, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được nâng cao như thế nào?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Khi chúng ta tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các cấp chính quyền còn ba cấp (Trung ương, tỉnh/thành và xã), việc giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn. Tại Điều 9 dự thảo có sửa đổi và bổ sung "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Mặt trận sẽ tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ở các cấp chính quyền. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước.

- Ông có những ý kiến đóng góp cụ thể nào cho đợt sửa đổi Hiến pháp lần này?

Đại biểu Trần Anh Tuấn: Tôi cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi. Tuy nhiên, Điều 115 của dự thảo nêu "Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu." Theo đó, tôi có băn khoăn việc các cơ quan tư pháp, như Tòa án và Viện Kiểm sát điều chỉnh không đưa vào phạm vi chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Theo tôi, các cơ quan này cũng cần phải chịu sự giám sát của Nhân dân, thông qua đại diện của họ là các đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc này giúp đảm bảo tính công bằng, khách quan và minh bạch trong hoạt động tư pháp./.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan