Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục, sáng 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học: “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ".
Tới dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp giáo dục hiện đại, thấm đẫm giá trị truyền thống là kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Đó là triết lý “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, đó là tầm nhìn về một nền giáo dục phát triển toàn diện năng lực của người học. Đó là phương pháp học ở trường, ở sách vở, học ở nhau và học ở nhân dân. Đó là mục đích học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp là đổi mới đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đồng bộ chủ trương chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế với trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ rõ: Không chờ nghị quyết Đại hội lần thứ XIV mà ngay bây giờ, chúng ta phải hành động, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, triển khai quyết liệt cả phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người. Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong đó đồng ý nghiên cứu, xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.
Khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng dân tộc, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn và là một nhà giáo dục vĩ đại, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phân tích: Phương diện đầu tiên cần nói đến trong tư tưởng của nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh không chỉ là đẩy mạnh “dân trí” mà còn khơi dậy “dân khí”, truyền cảm hứng và khích lệ ý chí của cả dân tộc và mỗi con người. Để làm được điều này, Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”, tức lấy bản thân mình làm gương để cảm hóa, giáo dục, tập hợp, thuyết phục. Như vậy, từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã có một tầm nhìn sâu rộng, vượt thời đại khi đề cập trên phương diện giáo dục con người về nhân cách. Đây chính là phương pháp “tự giáo”, tức là tự học tập suốt đời, tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, biết hổ thẹn, biết liêm chính để đáp ứng yêu cầu cách mạng của thời đại.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn xác định rõ bốn nhiệm vụ quan trọng đối với ngành giáo dục thời gian tới. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành; làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ; tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiết mục văn nghệ chào mừng.
120 bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo cho thấy: Trên hành trình giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục vào vị trí trụ cột quan trọng. Ngay sau ngày đất nước độc lập, Bác đã coi “diệt giặc dốt” là nhiệm vụ chiến lược song hành với “diệt giặc đói” và “diệt giặc ngoại xâm”, đồng thời khẳng định chỉ có “trồng người” mới bồi đắp nguyên khí quốc gia. Tư tưởng ấy được thể hiện qua những bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành giáo dục, sắc lệnh về bình dân học vụ (8/9/1945) mở đầu chiến dịch xóa mù chữ lớn nhất lịch sử; hai lần cải cách giáo dục (1950, 1956) kiến tạo nền giáo dục theo triết lý: Dân tộc-Khoa học-Đại chúng; phong trào “Dạy tốt-Học tốt” (1961) đề cao chất lượng dạy và học ngay trong thời kỳ chiến tranh.
Nguồn: https://nhandan.vn