Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Kỳ thi năm nay lần đầu được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi trong hai ngày 26 và 27/6. Thời điểm này, học sinh lớp 12 cả nước đã cơ bản hoàn thành các môn học, chuyển trọng tâm vào ôn tập các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và môn thi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ngày 3/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị các hệ thống văn bản, quy trình tổ chức để các tỉnh, thành phố có căn cứ tổ chức thi tại địa phương. Đồng thời, Bộ tổ chức hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cho các Sở Giáo dục và Đào tạo và công an các tỉnh, thành phố để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; tập huấn sử dụng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi; hướng dẫn cách thức xử lý khi có tình huống, vấn đề phát sinh.
Theo đánh giá, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có sự phối hợp khẩn trương, chu đáo của cán bộ, giáo viên, lực lượng quân đội, công an, điện lực, y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội, cho nên sẽ nỗ lực bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Năm nay, số lượng thí sinh dự thi đăng ký cũng nhiều hơn năm 2024, công nghệ gian lận thi cử dự báo cũng ngày càng tinh vi, là những nguy cơ mất an toàn cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều công việc như xây dựng đề thi, hướng dẫn coi thi, chấm thi, thống nhất cách thức tổ chức kỳ thi cũng như cách khắc phục, xử lý những sự cố trong kỳ thi... xây dựng đề thi, hướng dẫn coi thi, chấm thi, thống nhất cách thức tổ chức kỳ thi cũng như cách khắc phục, xử lý những sự cố trong kỳ thi... tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tích cực thực hiện.
Bộ xác định cần đặc biệt quan tâm công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên và những người tham gia tổ chức thi (bao gồm cả nhân sự dự phòng); kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Những năm trước, công tác bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi có sự tham gia của lực lượng công an cấp huyện, nhưng hiện nay, đội ngũ này đã chuyển về cấp tỉnh và cấp xã. Vì vậy, ngành giáo dục, công an cũng như các địa phương cần tăng cường thực hiện một số giải pháp, nhất là vấn đề phòng chống sử dụng thiết bị công nghệ cao vào mục đích gian lận thi cử.
Để ngăn chặn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tăng cường công tác tuyên truyền đến thí sinh, nhất là về vấn đề làm lộ, lọt đề thi ra ngoài.
Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể với tinh thần “rõ người, rõ nhiệm vụ”. Ngành giáo dục bám sát tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia, phân định công việc rõ ràng. Đặc biệt, với các bộ, ngành liên quan; phối hợp như Công an, Y tế... cũng cần có kế hoạch để bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 hiệu quả. Yêu cầu đặt ra với kỳ thi là dù ở hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương…
Nguồn: https://nhandan.vn