Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được các tập đoàn lớn của thế giới tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.

Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trong mọi lĩnh vực của xã hội. Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa công nghệ và sản xuất sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tối ưu hóa các quy trình, giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng với yêu cầu mới của sự phát triển.
Khó nhất là chuyển đổi tư duy của lãnh đạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên thiết yếu đối với công nghệ thương mại điện tử trong những thập kỷ qua. Sự phát triển nhanh chóng của nó đã thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Trong ba mươi năm qua, nền kinh tế thế giới đã phải đối mặt với quá trình số hóa chưa từng có. Quá trình này đã chuyển đổi các nhiệm vụ quản lý và vận hành của doanh nghiệp từ phương pháp truyền thống sang công nghệ hóa với mục đích là duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo thị phần.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, trong đó nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản, như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...
Hơn nữa, việc chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo lại đội ngũ nhân viên để có thể sử dụng thành thạo các công cụ mới.
Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) nêu thực tế, chuyển đổi số không hề dễ dàng và khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là sự cam kết của ban lãnh đạo về chiến lược. Nếu Ban lãnh đạo chưa có một chiến lược rõ ràng thì chắc chắn việc chuyển đổi số sẽ khó thành công.
Tương tự, theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), điều quan trọng nhất của việc chuyển đổi không phải ở việc doanh nghiệp có muốn làm hay không hoặc có điều kiện kinh phí để làm hay không mà quan trọng nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị thực sự phải quyết tâm mới thành công được.
Đại diện Vinatex đánh giá về phần số tiến hành rất đơn giản, nhưng yếu tố quyết định chính là phần chuyển đổi. “Việc đầu tiên là chuyển đổi từ tư duy người lãnh đạo cao nhất đến các cấp lãnh đạo phải đồng lòng làm thì chuyển đổi số mới thành công được,” ông Hiếu nói.
Lấy ví dụ đối với ngành Sợi, đại diện Vinatex chia sẻ lúc đầu nhiều đơn vị không thiết tha, mặn mà vì thấy vất vả, đặc biệt là mọi thông tin phải minh bạch, công khai, số liệu thật thì việc điều hành mới chuẩn xác.
.jpg)
Tỷ lệ sản phẩm lỗi của doanh nghiệp giảm mạnh nhờ ứng dụng công nghệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội cho biết các nhà sản xuất lớn đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động.
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thực hiện đạt 100% yêu cầu này, nhưng với từng giai đoạn cụ thể, hoàn toàn có thể làm được, trong đó, yêu cầu đầu tiên là công nghệ, cụ thể là bắt đầu từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.
Nắm bắt cơ hội để thành công
Có thể thấy, giai đoạn đầu của việc chuyển đổi có thể gặp khó khăn, song những thành quả mà chuyển đổi số đem lại đã được chứng minh trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh tỷ lệ sản phẩm lỗi nhờ hệ thống kiểm tra chất lượng tự động và phân tích dữ liệu IoT, tạo lập một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên.
Đơn cử tại Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group), với vận hành trên nền tảng số, tất cả các dữ liệu được thống kê. Cùng đó, việc đầy đủ dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định, cũng như chiến lược cho các giai đoạn tiếp theo một cách khoa học.
“Sau chuyển đổi, việc trải nghiệm khách hàng cũng gia tăng, mọi thứ được kịp thời hơn. Việc bảo hành, bảo trì máy móc được kịp thời, chặt chẽ,” ông Hoàng Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) chia sẻ.
Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “Made in VietNam” đã được các tập đoàn lớn của thế giới đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, LG, Apple, Honda, Toyota... tin dùng và trở thành nhà cung ứng một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ chuỗi sản phẩm công nghiệp chính.

Petrovietnam và Vinachem sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất nguyên vật liệu và hóa chất phục vụ công nghiệp kỹ thuật cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho biết để hướng tới sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần tập trung vào tiêu chuẩn hóa công nghệ hoạt động (OT) và phần công nghệ thông tin (IT). Ở phần OT, Hanel PT đã nâng cao được tỷ lệ vận hành tự động hoá lên khoảng 60% và mục tiêu sắp tới là phải ứng dụng, đưa các dây chuyền tự động hóa lên 80%..., đồng thời nâng cao chất lượng nhân sự thông qua các chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cho đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống hiệu quả hơn.
Để tạo sức bật mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Cục Công nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, như: Hỗ trợ áp dụng mô hình về chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh; mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hoá quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, hợp tác phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
“Các chương trình hỗ trợ này đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” đại diện Cục Công nghiệp nói./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/