Theo đại diện Bộ Công Thương, muốn xây dựng Thương hiệu doanh nghiệp mạnh và Thương hiệu Quốc gia mạnh, phải dựa vào Đổi mới sáng tạo để làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm mang bản sắc riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng của Công ty TH bên lề Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, lần thứ 9. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thời gian qua, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng được chú trọng xây dựng và phát triển. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị và chỉ số sức mạnh mà ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới.
Doanh nghiệp Việt không ngừng lớn mạnh
Hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Không chỉ trong nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, như Viettel, Petrovietnam, Vingroup, FPT, THACO, Hòa Phát, TH, Vinamilk, Masan...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk chia sẻ chiến lược phát triển thương hiệu gắn với mục tiêu bền vững, hội nhập và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Vinamilk tập trung vào người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển nguyên liệu bền vững, chuyển đổi số và mở rộng xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cam kết phát triển xanh và trách nhiệm cộng đồng, khẳng định vị thế thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo từ Brand Finance cho thấy giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD); năm 2023 là 498 tỷ USD.
Đáng chú ý, với trị giá 507 tỷ USD trong năm 2024, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Brand Finance xếp hạng 32/193 tổng số các quốc gia, lãnh thổ được xếp hạng, đây cũng thể hiện Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cũng là 1 trong những thương hiệu mạnh trên trường quốc tế, tăng 1 bậc và 2% giá trị so với năm 2023.

Các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia của TH đã từng được giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác như như các giải sản phẩm xuất sắc tại World Food Moscow nhiều năm liên tiếp, ASEAN Best Food Product 2015, Gulfood Dubai 2016, Stevie Awards 2018, China-Asean Expo 2024... (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Đoàn Đức Thuận, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết trong mỗi nhóm ngành khác nhau cũng có mức đầu tư khác nhau và cách làm thương hiệu khác nhau.
Theo đó, những nhóm ngành có nhiều nguồn lực hơn (năng lượng, tiêu dùng, tài chính ngân hàng), việc phát triển thương hiệu của họ mang tính duy trì và theo lộ trình, còn những nhóm ngành ít hơn như sản xuất, tính kỹ thuật cao, việc làm thương hiệu dù ít chi hơn nhưng bằng cách làm sản phẩm tốt, đầu tư bằng chất lượng và dùng chính các khách hàng để lan tỏa thông điệp đó, tức là sản phẩm tốt thì thương hiệu tự đến, còn truyền thông là yếu tố yểm trợ.
Tạo đột phá từ "Đổi mới sáng tạo"
Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.
Việc xây dựng và phát huy giá trị “Thương hiệu Việt Nam” nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Để tiến tới xây dựng một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ đa dạng và phong phú với chất lượng cao, việc xây dựng thương hiệu vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ. Khi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xây dựng được thương hiệu đạt chuẩn sẽ dần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam đã từng bước khẳng định là một quốc gia có sản phẩm chất lượng, tinh thần đổi mới mạnh mẽ và Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã được Thủ tướng chính thức cho triển khai từ năm 2003 đến nay.
Với mục tiêu, mục đích của Chương trình hướng tới đó là tìm kiếm, hỗ trợ để xây dựng hỗ trợ các sản phẩm mạnh, từ đó sẽ có các sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp mạnh và thông qua các sản phẩm mạnh, uy tín, chất lượng và những thương hiệu doanh nghiệp mạnh để quảng bá với thế giới, thông qua đó nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Cũng theo ông Chiến, doanh nghiệp muốn tiên phong trên thị trường tất yếu phải dựa trên nền tảng Đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp muốn duy trì chất lượng vượt trội cũng cần liên tục đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
“Ba trụ cột là: Chất lượng-Đổi mới sáng tạo-Năng lực tiên phong không tồn tại tách biệt mà tạo thành thể giá trị cốt lõi, gắn bó chặt chẽ và xuyên suốt của Chương trình Thương hiệu Quốc gia và mong muốn doanh nghiệp hướng tới, trong đó Đổi mới sáng tạo được ví như “trái tim” của thương hiệu, là nguồn năng lượng giúp cho doanh nghiệp không ngừng cải tiến, thích ứng nhanh với thay đổi và đủ sức vươn lên dẫn đầu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu,” ông Hoàng Minh Chiến nói.
Đánh giá từ các tổ chức thương hiệu lớn cho thấy những thương hiệu lớn không chỉ có ở giá trị quy mô mà còn tập trung chính ở những sản phẩm có tính đột phá, đổi mới sáng tạo và luôn luôn đưa ra những sản phẩm mới, giá trị mới để tạo dấu ấn riêng trên thị trường toàn cầu.
Đơn cử, khi nhắc tới Apple là liên tưởng tới đột phá về trải nghiệm công nghệ; nhắc tới Samsung là nhắc tới tinh thần đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng của Hàn Quốc… hay Tesla, một doanh nghiệp sản xuất ôtô điện đi đầu trên thế giới của Hoa Kỳ, thương hiệu này đã định hình lại ngành công nghiệp ôtô thế giới nhờ tiên phong trong công nghệ sử dụng năng lượng xanh, trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm của mình.

Vinamilk - tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. (ẢNh: PV/Vietnam+)
Với Việt Nam, việc "đổi mới sáng tạo" cũng là con đường tất yếu, bởi muốn xây dựng Thương hiệu doanh nghiệp mạnh và Thương hiệu Quốc gia mạnh, phải dựa vào Đổi mới sáng tạo để làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm mang bản sắc riêng của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh-sạch-thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo.
“Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành; cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/