KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 13/05/2025 - Lượt xem: 26
Giá điện tăng 4,8%, doanh nghiệp tìm cách thích ứng, Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam

Từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân đã chính thức tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là lần điều chỉnh giá điện thứ 4 kể từ năm 2023 đến nay, đã tạo ra sức ép đáng kể cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...

Nhân viên Điện lực Khoái Châu kiểm tra trạm biến áp ở Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, xã Tân Dân (Khoái Châu)

Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam chuyên sản xuất gạch ốp lát tại xã Tân Dân (Khoái Châu) đang chịu ảnh hưởng rõ nét từ việc điều chỉnh giá điện. Là đơn vị có mức tiêu thụ điện lớn nhất huyện Khoái Châu, mỗi tháng công ty phải chi trả khoảng 2 tỷ đồng cho chi phí tiền điện. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc công ty, trước đây chi phí điện chiếm khoảng 8% tổng giá thành sản phẩm, nhưng sau khi giá điện tăng, tỷ lệ này đã tăng lên 12%.

“Giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công đều tăng, nay thêm giá điện tăng khiến sức ép lên doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định không tăng giá bán sản phẩm vì điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh. Thay vào đó, chúng tôi tập trung cải tiến công nghệ, tối ưu chi phí để duy trì sản xuất và giữ chân khách hàng”, ông Vũ chia sẻ.

Một trong những giải pháp được công ty áp dụng là điều chỉnh khung giờ sản xuất, ưu tiên vận hành máy móc vào giờ thấp điểm, trung điểm, khi giá điện rẻ hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ biến tần giúp tiết kiệm điện năng, thay thế thiết bị cũ, tiêu tốn nhiều điện.

Đặc biệt, thiết bị nghiền bi, chiếm tới 65% tổng lượng điện tiêu thụ được vận hành tối đa vào khung giờ thấp điểm để hạn chế tác động từ giá điện tăng. Hiện nay, mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 270.000 – 300.000m² gạch ốp lát, nhu cầu điện năng rất lớn nên việc kiểm soát chi phí điện là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, trong năm 2024, công ty cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 1,5MW. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 – 15% nhu cầu điện năng thực tế và giá thành điện mặt trời cũng chưa thực sự cạnh tranh.

Không riêng gì Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang phải linh hoạt xoay xở để thích ứng với tình hình giá điện tăng bằng nhiều cách, như: Tăng năng suất lao động, tự động hóa sản xuất, kiểm soát thất thoát, tiết kiệm chi phí vận hành...

Với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất. Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, các doanh nghiệp trong ngành đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. 

Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Ống thép Minh Ngọc (Văn Lâm) sử dụng 3 - 4 triệu KWh điện. Vì vậy, công ty xác định sử dụng tiết kiện điện là giải pháp rất quan trọng để giảm áp lực tăng giá. Ông Đồng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, ngay từ khi xây dựng nhà máy, công ty đã chia nhỏ hệ thống sử dụng điện từ trạm biến áp tổng đến các nhà xưởng. Các nhà xưởng có thời điểm sử dụng điện khác nhau, có thể chủ động cắt giảm tối đa điện năng mà không bị ảnh hưởng tới các dây chuyền khác. Ưu tiên sử dụng thiết bị, động cơ được cải tiến nâng cao năng suất. Hệ thống đèn chiếu sáng, làm mát đều được sử dụng bằng các thiết bị tiết kiệm. Tại các xưởng sản xuất, thay vì sử dụng các bóng đèn chiếu sáng công suất lớn, công ty lắp đặt các tấm mái tôn lấy ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Công ty chủ động thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải theo tư vấn của Điện lực Hưng Yên. Thành lập bộ phận chuyên môn có nhiệm vụ theo dõi sát sao việc thực hành tiết kiệm điện...


Công ty thức ăn chăn nuôi Hoà Phát (Văn Lâm) thuê kiểm toán viên năng lượng để đánh giá và đưa ra các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả

Công ty thức ăn chăn nuôi Hoà Phát (Văn Lâm), doanh nghiệp đã mời các đơn vị có năng lực, trình độ cao kiểm toán điện năng, qua đó đánh giá cũng như đưa ra những phương án tiết kiệm điện năng cho đơn vị. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nâng cấp và cải tạo các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất cũng như hiệu suất của thiết bị, áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật, thay đổi các thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn để qua đó tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp, nhưng vẫn đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm.

Trước áp lực tăng giá điện, các doanh nghiệp tìm cách để tiết kiệm điện. Công ty Điện lực Hưng Yên khuyến cáo, đối với khách hàng sử dụng điện sản xuất nên đầu tư vào các thiết bị hiện đại, có hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng như các thiết bị đạt chuẩn "Energy Star"; thực hiện thay thế đèn sợi đốt bằng đèn LED; tận dụng năng lượng tái tạo bằng cách lắp đặt hệ thống điện mặt trời để giảm chi phí điện và tận dụng nguồn năng lượng miễn phí; quản lý sử dụng điện theo giờ thấp điểm...

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan