KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 22/04/2025 - Lượt xem: 24
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Xử lý kịp thời các đối tượng buôn lậu, gian lận

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng chủ công trong thực thi chống buôn lậu, hàng giả: Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Thuế, Hải quan.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 21/4, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 398 quốc gia), Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban nêu rõ Ban Chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và các nghị quyết, công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia liên quan đến công tác này.

Chưa nhận diện đúng hành vi vi phạm

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng chủ công trong thực thi chống buôn lậu, hàng giả: Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Thuế, Hải quan.

Nhấn mạnh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ liên quan đến sức khỏe người dân, mà còn liên quan đến sức mạnh của nền kinh tế, đến các doanh nghiệp chân chính, Phó Thủ tướng cho rằng, khi nghe đến vấn đề này, đặc biệt là những vụ việc xảy ra gần đây, càng thấy trách nhiệm phải nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo, của các bộ, ngành liên quan, các lực lượng thực thi từ Trung ương đến cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để làm đồng bộ từ trên xuống, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở khi những vụ việc như sữa giả, thuốc giả vừa qua tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, doanh nghiệp, sản phẩm. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả chưa phản ánh hết những phức tạp đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Tình trạng hàng lậu vận chuyển trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng tận dụng nhiều kẽ hở, mánh khóe tinh vi, đặc biệt là trong hoạt động mua bán ma túy. Tại thị trường trong nước, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán công khai.

“Ví dụ như vụ sữa chẳng hạn, bao năm nay tồn tại công khai,” nêu dẫn chứng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “đây là sơ hở của chúng ta.”

Theo ông, rất nhiều quy định, rất nhiều lực lượng tham gia, mà để họ công khai bán sản phẩm hàng giả là điều phải suy nghĩ để có biện pháp xử lý, cách làm hiệu quả.

Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế dù đã có Luật Thương mại điện tử nhưng chúng ta vẫn chưa quản lý được việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để bán hàng kém chất lượng, hàng giả.

Dẫn câu chuyện một người nghe quảng cáo trên Facebook mua thuốc khớp, gút của "ông lang Kiên" về uống dẫn đến bị suy thận suýt chết, Phó Thủ tướng đặt vấn đề “hàng ngày trên Facebook bán các loại thuốc, mà không biết thuốc gì, chất lượng ra sao…,” phải tính việc tham gia xây dựng quy chế, quy chuẩn thế nào…

Nguyên nhân chính của các tồn tại, hạn chế là do văn bản quy phạm pháp luật nhiều nhưng chưa đủ, chưa bao quát, chưa cụ thể, chưa nhận diện đúng những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng nhưng lại công khai.

Một số nơi còn thiếu trách nhiệm, còn thấy đây việc của người khác, không phải của mình, công tác phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin chưa tốt.

“Phải chuyển sang nhận thức khi có vụ việc xảy ra phải xem có liên quan đến bộ mình, ngành mình thế nào để cùng chung tay xử lý. Thường một vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều bộ, ngành,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến hai việc “sát sườn” trong thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ rõ, thay đổi chính sách của các nước lớn, trước mắt là chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, và trong bối cảnh nước ta chuyển sang giai đoạn mới phải đẩy nhanh phát triển nền kinh tế với tốc độ 8% trở lên, đòi hỏi sản xuất phải được đẩy mạnh, nhất là những ngành sản xuất công nghiệp, thì việc bảo đảm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là rất hữu ích cho doanh nghiệp cạnh tranh, tồn tại và phát triển.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo rà soát các nội dung liên quan đến Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Các bộ, ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn để xác định hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và có chế tài để xử lý các vi phạm.

Các cơ quan trung ương đã hợp nhất xong, sau cuộc họp Ban Chỉ đạo có văn bản kiện toàn cơ cấu tổ chức Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đối với các địa phương, sau khi sắp xếp xong sẽ có chỉ đạo ngay sau đó để kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố.

Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia với các địa phương. Ban Chỉ đạo các địa phương phải có hướng dẫn trong xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp các lực lượng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Mặc dù không còn cơ quan thanh tra ở các bộ, ngành, song, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc của ngành mình để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời, xử lý các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

“Không phải hết thanh tra rồi, không có công cụ gì triển khai. Các bộ, ngành vẫn phải giữ lại nội dung công tác kiểm tra, buông là hỏng,” Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công tác của Ban Chỉ đạo, nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi. Các bộ, ngành liên quan như Biên phòng, Công an phối hợp xây dựng đề án nâng cao năng lực cho phòng, chống ma túy.

Hàng giả, hàng kém chất lượng tập trung vào thuốc tân dược, thực phẩm chức năng

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến những khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và nền tảng số đặt ra nhiều thách thức mới về cơ chế kiểm soát, chế tài xử lý chưa kịp thời. Khó khăn trong công tác hậu kiểm, đặc biệt là công tác lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra chất lượng đối với các hoạt động sản xuất, nhất là lĩnh vực thực phẩm…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến ranh giới, địa giới giữa các địa phương, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại; ban hành hành lang pháp lý, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, chống thất thu ngân sách.

Thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược được lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đầu tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho hay, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can, thu giữ 21 sản phẩm là thuốc giả cùng hàng nghìn các sản phẩm là thuốc khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ 2021 đến nay đã bán ra thị trường số lượng rất lớn, tổng số tiền giao dịch hơn 200 tỉ đồng. “Rất tiếc là vụ việc này để kéo dài tới 4 năm.”

Thực tiễn cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ thường tập trung các mặt hàng như thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe, quần áo, giày dép, linh kiện, điện thoại di động và các phụ kiện máy tính…

Với phương châm, phương thức, thủ đoạn tinh vi và các đối tượng thường lựa chọn các thương hiệu lớn đã đăng ký bảo hộ thương hiệu được khách hàng ưa chuộng và tin dùng để làm giả, có xuất hiện thủ đoạn mới là không làm giả các sản phẩm có sẵn trên thị trường mà tự đặt ra những tên sản phẩm, thương hiệu, công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Singapore, Hong Kong, đặc biệt là cả Nhật Bản và một số các quốc gia khác.

Đây là hành vi ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Chúng lợi dụng gian thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo… để tiếp cận người tiêu dùng, quảng cáo hàng chính hãng, "hàng xách tay" để lấy lòng khách hàng mua hàng, trục lợi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe; quan tâm, tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị, trang bị kỹ thuật để phục vụ kiểm tra, giám sát, giám định hàng hóa, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các địa phương; có chế tài xử lý hành vi tiếp tay bán hàng giả./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan