Ngày 19/9/2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành văn bản số 27/BCĐ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ giết người, làm 9 người chết, 03 người bị thương, đã khởi tố 9 vụ, 9 bị can. Nguyên nhân: Giết người cướp tài sản: 02 vụ, mâu thuẫn gia đình: 05 vụ, mâu thuẫn trong quá trình uống rượu, bia: 02 vụ; trong đó, 01 vụ do đối tượng tâm thần gây ra, 02 vụ Giết người do đối tượng nghiện ma túy gây ra; đặc biệt, trong 3 ngày từ 02/9/2023 đến 05/9/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ giết người có nguyên nhân đều do mâu thuẫn bột phát trong quá trình uống rượu, bia dẫn đến không kiềm chế được hành vi nên đã dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, hậu quả làm 02 người chết, 01 ngườibị thương.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa tội phạm giết người. Hoạt động của Ban chỉ đạo 138 ở cơ sở có nơi, có lúc chưa được quan tâm, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Công tác giải quyết tranh chấp (nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai) còn chậm, hòa giải ở cơ sở chưa kịp thời, triệt để dẫn đến tích tụ, khi tiếp tục phát sinh thì bùng phát và xảy ra vụ án giết người. Các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế. Ý thức tự đề phòng, bảo vệ, quản lý tài sản của người dân còn chưa cao khiến một số đối tượng đang túng quẫn về kinh tế dễ nổi lòng tham chiếm đoạt tài sản, khi bị phát hiện, chống trả thì thực hiện hành vi giết người để che giấu tội phạm, tìm cơ hội trốn chạy, tẩu thoát. Công tác phối hợp giữa các ngành, nhất là phối hợp với lực lượng Công an trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm còn chưa chặt chẽ.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, có nhiều dịp nghỉ lễ nên thu hút nhiều học sinh, sinh viên, người lao động về quê, tổ chức liên hoan, tụ tập; các đối tượng cho vay sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ... dễ phát sinh các mâu thuẫn; một số bộ phận thanh, thiếu niên lười lao động, thích ăn chơi, hưởng thụ, thường xuyên tụ tập uống rượu bia, sử dụng chất kích thích nên dễ bị kích động, dẫn đến sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn bằngbạo lực, vì vậy diện đối tượng có xu hướng trẻ hóa, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng, manh động, hung hãn, dã man; phương thức, thủ đoạn phạm tội và che giấu tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng.
Để huy động hệ thống chính trị và năng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người nhằm giảm căn bản nguyên nhân, điều kiện của loại tội phạm này, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người nói riêng như: Công văn số 151/UBND-NC ngày 22/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, Công văn số 08/BCĐ ngày 16/12/2021 về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm Giết người, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm, vi phạm pháp luật liên trong thanh, thiếu niên, Công văn số 06/BCĐ ngày 15/6/2022 về tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm giết người...; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn để xây dựng và phát triển địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống và ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa, truyền thống đạo đức con người, ý thức tự quản, tự bảo vệ tài sản trong cộng đồng dân cư; quy định về phòng, chống tác hại của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy, rượu bia đến cán bộ, công nhân viên, người lao động và quần chúng Nhân dân. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại hình đối tượng, bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, đặc biệt là tuyên truyền cá biệt với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người, cố ý gây thương tích... và nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm giết người, cố ý gây thương tích để bản thân họ chủ động phòng ngừa, tránh xảy ra mâu thuẫn, xung đột, xô xát.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp để nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người; giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
- Phát huy vai trò, thực hiện tốt công tác của các tổ hòa giải ở cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ để kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư nhằm hạn chế và loại bỏ nguyênnhân, điều kiện của tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản.
- Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở để xảy ra tội phạm giết người; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.
2. Công an tỉnh
Tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nguyên nhân, điều kiện, trách nhiệm pháp lý và các hậu quả, hệ lụy của tội phạm đối với gia đình, xã hội; phối hợp hướng dẫn cách xử lý trong các tình huống bạo lực, tiềm ẩn bạo lực góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân. Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý cư trú, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông, nhất là các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án giết người, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân; tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm nói chung để chủ động phòng ngừa; nguyên nhân, điều kiện, trách nhiệm pháp lý và các hậu quả, hệ lụy của tội phạm giết người; các kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột phát sinh trong cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa với tội phạm giết người.
4. Sở Tư pháp
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về thương lượng, hòa giải, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người dân lựa chọn các hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo quy định của pháp luật.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử lành mạnh cho cán bộ quản lý, nhà giáo, ngườihọc tại trường học và cơ sở giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện sớm mâu thuẫn để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường và các vi phạm pháp luật, tội phạm trong học sinh, sinh viên. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý học sinh, sinh viên không để tham gia các tệ nạn xã hội, tội phạm và các vi phạm pháp luật.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực trái với thuần phong mỹ tục.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, quản lý và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, kịp thời phát hiện, đưa người mắc bệnh tâm thần nặng vào cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và bệnh viện; hỗ trợ, tư vấn, can thiệp, lao động trị liệu, chăm sóc, điều trị, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phục hồi sức khỏe, nhân cách, giáo dục nghề nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng cho người đã cai nghiện ma túy.
8. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và quản lý người mắc bệnh tâm thần tại bệnh viện, các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; tăng cường quản lý thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất trong lĩnh vực y tế. Thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quản lý chặt chẽ quy trình khám, chữa bệnh cho người mắc bệnh tâm thần, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; chủ động phòng ngừa và phối hợp với Công an tỉnh trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội thành viên
- Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp về phòng, chống tội phạm, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, không tham gia tệ nạn xã hội.
- Tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, lối sống văn hóa, phòng, chống ma túy trong đoàn viên, hội viên, người lao động, không để thành viên của tổ chức mình thực hiện tội phạm và các tệ nạn xã hội. Vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình, cộng đồng; củng cố các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tăng cường công tác trao đổi, đối thoại, lấy ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tham gia hòa giải, giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn; xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, địa bàn dân cư, khu công nghiệp.
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên tịch về phối hợp phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết tham gia phòng, chống tội phạm; chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn; tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người bà, người mẹ trong quản lý, giáo dục cháu, con không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội.
- Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tuyên truyền pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thu hút người lao động không để đối tượng xấu lôi kéo vi phạm pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nòng cốt nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng, kịp thời có những định hướng trong công tác thông tin tuyên truyền.
10. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh, Công an tỉnh
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây dư luận xã hội; tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nhất là các tranh chấp, khiếu kiện dân sự (nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai) không để kéo dài; chủ động phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập,... để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
11. Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, hậu quả pháp lý khi thực hiện hành vi phạm tội để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của người có uy tín, vị thế trong xã hội, cộng đồng dân cư... góp phần giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn trong đời sống, không để từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm, từng bước khắc phục, triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp kịp thời các đối tượng bảo trợ xã hội; xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
- Tổ chức thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học an ninh, an toàn, không có tệ nạn ma túy.
- Ban hành văn bản chỉ đạo Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn:
+ Thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các lực lượng tham gia công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm; xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm; tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của ông, bà, cha, mẹ trong quản lý, giáo dục cháu, con không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội.
+ Chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chính quyền cấp cơ sở thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết kịp thời mâu thuẫn ngay tại địa bàn cơ sở, không để xảy ra các hậu quả đáng tiếc; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi, người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh bắt buộc chấp hành xong về địa phương, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm.
+ Chỉ đạo lực lượng Công an cấp xã tăng cường tổ chức răn đe, gọi hỏi các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật; tăng cường tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, giáp ranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm. Tổ chức hướng dẫn cho quản lý, nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xử lý tình huống khi phát hiện các vụ việc, mâu thuẫn của khách hàng tại cơ sở, không để phức tạp tình hình, xảy ra các hành vi vi phạm.
Yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, việc thực hiện và tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công an theo quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn