KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Kinh tế
Đăng ngày: 20/05/2025 - Lượt xem: 36
Thoát “bẫy phụ thuộc,” thủy sản Việt Nam đối mặt với thách thức và cơ hội mới

Thủy sản Việt Nam đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị, đối phó rào cản kỹ thuật và tận dụng hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Phân loại, chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu liên tục biến động, đặc biệt là Mỹ áp thuế đối ứng và những rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường lớn, thủy sản Việt Nam cần phải làm gì để có thể đối mặt với áp lực lớn về duy trì thị phần, năng lực cạnh tranh và tăng trưởng xuất khẩu?

Câu trả lời chính là việc tái cơ cấu chiến lược tiếp cận thị trường; trong đó trọng tâm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng, nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024.

Tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực, đứng đầu với mức tăng 30% so với cùng kỳ. Tiếp đến là cá tra với mức tăng 9%.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất với mức tăng 56%; tiếp đến là Nhật Bản tăng 22%, Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ...

Dù tăng trưởng trở lại sau quý 1 trầm lắng, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu tác động rõ rệt từ chính sách thuế đối ứng và các rào cản kỹ thuật mới.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết hiện đơn vị đang xuất khẩu cá tra sang khoảng 30 thị trường; trong đó Mỹ chiếm trên 50% sản lượng. Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan từ thị trường này đang tạo áp lực lớn lên chi phí và khả năng cạnh tranh.

Trước tình hình đó, Caseamex đang chủ động dịch chuyển xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, khôi phục quan hệ với khách hàng cũ và cắt giảm chi phí sản xuất.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký VASEP, doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng và ưu đãi thuế quan, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP... để mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường đang mở cửa mạnh với thủy sản Việt.

Doanh nghiệp nên hướng tới khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường. Đơn cử, tôm Việt Nam vào EU được miễn thuế, trong khi sản phẩm từ Trung Quốc vẫn chịu thuế suất từ 12-20%.

Dù chưa có đột phá, nhưng xuất khẩu thủy sản sang EU trong năm 2024 vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, nhất là với các mặt hàng chủ lực như tôm chân trắng, tôm sú, cá ngừ, cá tra và nghêu. Điều này cho thấy tiềm năng tại các thị trường truyền thống vẫn còn rất lớn nếu doanh nghiệp biết thích ứng và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu lần thứ 31 ở Tây Ban Nha vào tháng 5/2025, VASEP cùng 28 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia gian hàng quốc gia để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy xúc tiến thương mại. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các thị trường lớn đang có rào cản thuế quan.

Trong chiến lược mở rộng thị trường, Singapore nổi lên là điểm đến đầy tiềm năng. Việt Nam hiện là đối tác cung ứng thủy sản lớn thứ 4 của Singapore, lần đầu tiên vượt lên sau Malaysia, Indonesia và Na Uy.

Đặc biệt, Việt Nam đang dẫn đầu về thị phần fillet cá và sản phẩm cá ướp lạnh/cấp đông - nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ ổn định tại thị trường này.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị phần, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp chặt chẽ với VASEP tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tham gia hội chợ triển lãm và khuyến nghị doanh nghiệp chú trọng cải tiến bao bì, đảm bảo chất lượng và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn nhập khẩu.

Trong khi đó, Brazil đang nổi lên như một thị trường chiến lược tại khu vực Nam Mỹ. Với lợi thế về giá cả, nhu cầu ổn định và các tín hiệu tích cực về chính sách, đây được xem là “dư địa mới” để cá tra Việt Nam phát huy thế mạnh.

Hiện có khoảng 26 doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu sang Brazil; trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Hùng Cá, Cadovimex, Nam Việt, Hoàng Long...

Đặc biệt, việc Brazil vừa chính thức thu hồi lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi Việt Nam tạo thêm cơ hội để ngành mở rộng sản phẩm, bên cạnh cá tra, mặt hàng mà Việt Nam đang chiếm tới 38% thị phần tại đây. Đây cũng là thị trường trong quý 1/2025, xuất khẩu thủy sản cũng có mức tăng trưởng ở hai con số với mức trên 70% so với cùng kỳ.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Brazil cũng đang xem xét nới lỏng các quy định về phụ gia và phosphate, điều từng gây khó khăn cho sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực để đa dạng hóa danh mục cũng như thúc đẩy các mặt hàng có giá trị gia tăng như cá tra tẩm bột, cá viên... vào sâu hơn thị trường này.

Cùng với đa dạng hóa thị trường, ngành thủy sản cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm.

Cá rô phi, một trong những đối tượng được xác định ưu tiên phát triển và kỳ vọng sẽ góp phần giảm rủi ro thị trường, mở rộng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, việc phát triển đối tượng nuôi này sẽ tạo thế cân bằng bên cạnh các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra.

Lợi thế từ các FTA như CPTPP, EVFTA... hay các hiệp định thương mại song phương cũng đang mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp giảm thiểu tác động từ những thị trường có rào cản như Mỹ.

Doanh nghiệp Việt đang tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu, chú trọng sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và tìm kiếm thị trường thay thế để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh thế giới biến động, việc đa dạng hóa thị trường không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn.

“Doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn đa dạng của các thị trường xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính như Halal. Nếu chuẩn bị tốt, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua các rào cản,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý doanh nghiệp cần rà soát, tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng tại những thị trường lớn như Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, giảm giá thành, nâng cao năng lực chế biến và xúc tiến thương mại.

Việc nâng cao “sức khỏe” ngành hàng chính là nền tảng để thủy sản Việt Nam phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu đầy biến động./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan