KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 23/09/2023 - Lượt xem: 561
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Ngày 18/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 25/4 /UBND-NC về việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nội dung công văn như sau: Trong 8 tháng đầu năm 2023 tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; tình trạng một bộ phận người dân (có cả công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên...) vi phạm TTATGT, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi tham gia giao thông (trong 8 tháng đầu năm 2023 lực lượng chức năng đã phát hiện xử phạt 2.788 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 13 tỷ đồng so với cùng kỳ, tăng 1.702 trường hợp, số tiền phạt tăng 7,8 tỷ đồng).
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế, kéo giảm TNGT. Đặc biệt là TNGT do sử dụng rượu, bia gây ra, dần hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu - bia không lái xe”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị số 23); Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị số 10); Công điện số 476/CĐ-UBND ngày 07/3/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2162/UBND-KT1 ngày 09/8/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng cuối năm 2023.
Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tiếp tục xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện là một nhiệm vụ công tác trọng tâm trong công tác bảo đảm TTATGT.
Yêu cầu công chức, viên chức, cán bộ, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang Nhân dân; học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các quy định về cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không sử dụng rượu, bia hoặc các đồ uống có cồn tương đương trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị nếu để xảy ra vi phạm. Đồng thời nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng, nhất là hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên
Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên các trang mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng truyền hình bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Nhất là các nội dung của pháp luật về xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của các lực lượng chức năng; hậu quả của tai nạn giao thông (TNGT) nói chung và TNGT do vi phạm nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức, tâm lý, ý thức, thái độ của người tham gia giao thông, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia - không lái xe” trong Nhân dân.
3. Công an tỉnh
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, phòng ngừa TNGT xảy ra. Trọng tâm là tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm về nồng độ cồn. Trường hợp phát hiện người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động thì ngoài việc xử lý theo quy định, cần thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý trách nhiệm theo quy định. Quá trình xử lý vi phạm phải triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, “Không có vùng cấm, không ngoại lệ”.
Phát huy có hiệu quả hệ thống camera giám sát trong phát hiện xử lý vi phạm về TTATGT. Phối hợp với các các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến giao thông thuộc địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị hiện đại trong phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và lâu dài. Tổ chức ký cam kết, phối hợp quản lý học sinh trong sử dụng phương tiện xe mô tô, xe máy điện tham gia giao thông; không giao phương tiện cho con em mình điều khiển khi không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe. Đồng thời chỉ đạo thành lập các đội thanh niên xung kích tham gia đảm bảo TTATGT tại khu vực trường học, xây dựng và duy trì các các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.
5. Sở Giao thông vận tải
Chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ khắc phục, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT, các bất cập trong tổ chức giao thông. Đồng thời xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT (đối với các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, sử dụng...) khắc phục trong thời gian nhanh nhất, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân khách quan từ cơ sở hạ tầng.
Tăng cường kiểm tra, quản lý và khai thác có hiệu quả, kết quả từ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vận tải vi phạm các quy định về chở người vượt quá số lượng quy định, đỗ dừng không đúng nơi quy định, chạy quá số giờ quy định, chạy quá tốc độ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.
6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT như: Sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi điều khiển phương tiện; vi phạm về tốc độ, điều khiển xe mô tô, xe máy điện... khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe. Tổ chức đánh giá, phân tích, xác định và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn.
- Tổ chức đánh giá, phân tích các điểm đen, điểm tiềm ẩn, các bất cập trong tổ chức giao thông, hệ thống biển báo hiệu để khắc phục, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng tình hình TTATGT trong tình hình mới.
- Chỉ đạo xây dựng các mô hình “Bến đò ngang an toàn”; mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự và bảo đảm TTATGT”... Phối hợp với các ngành chức năng duy trì và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
- Chỉ đạo Đài Phát thanh huyện, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm, chất lượng, hiệu quả ngay từ cộng đồng các khu dân cư; vận động các nhà hàng, quán ăn niêm yết công khai các quy định của pháp luật về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vận động và khuyến khích Nhân dân hạn chế hoặc không sử dụng rượu, bia tại đám cưới, đám tang, trong các dịp lễ, hội...
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ảnh gửi về Công an tỉnh (qua Phòng PC08) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đôn đốc triển khai, thực hiện; tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ Công an và UBND tỉnh theo quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan