Chuyến thăm tới Lào của Chủ tịch nước Lương Cường là dịp để hai bên thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, qua đó củng cố tin cậy và nâng tầm quan hệ song phương.
.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chứng kiến Lễ trao Hiệp định giữa hai Chính phủ về mua bán điện than tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào (Vientiane, 09/1/2025). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962, quan hệ giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng và có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư và phát triển.
Đi liền đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại luôn phát triển tích cực, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi được mở rộng, đa dạng và phong phú.
Chính vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Lương Cường là dịp để trao đổi giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.
Láng giềng tin cậy
Việt Nam-Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu… Đặc biệt, Việt Nam-Lào đã thiết lập 3 khuôn khổ pháp lý song phương về thương mại quan trọng bao gồm Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào ký năm 2015, có hiệu lực đến hết năm 2018, gia hạn đến hết năm 2024.
Cùng đó, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào (mới) đã hoàn tất đàm phán và đã ký Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Lào năm 2015 vào ngày 8/4/2024 (có hiệu lực từ ngày 24/2/2025).
Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về mua bán than và điện đã được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tại Lào vào ngày 9/1/2025 (Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày ký kết).
Đánh giá từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), trong giai đoạn vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đạt trên 2 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng thương mại mỗi năm khoảng 12%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2024 đạt 2,25 USD, tăng 38,2% so với năm 2023. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 755,2 triệu USD, tăng 41,6% so với năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2023.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam- Lào đạt 980,1 triệu USD, tăng 105,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 346,4 triệu USD, tăng 138,6% so với cùng kỳ năm 2024. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 633,6 triệu USD, tăng 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ghi nhận sự chuyển dịch rõ nét về cơ cấu, với nhóm hàng công nghiệp, hóa chất và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng trưởng cao kỷ lục.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm hóa chất; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; sản phẩm từ sắt thép; sắt thép các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô và sản phẩm phục vụ sản xuất như cao su, than đá, phân bón các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; quặng và khoáng sản khác, ngô… Thương mại song phương trong quý 1/2025 đã chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể cả về quy mô và cơ cấu.
Các mặt hàng công nghiệp, hóa chất và nguyên liệu thô đang dần thay thế vai trò truyền thống của nhóm hàng nông sản và nhiên liệu. Ước 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 112,6% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước tính đạt 466,8 triệu USD, tăng 150,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào ước tính đạt 852,7 triệu USD, tăng 96,2% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Lào với giá trị ước khoảng 386 triệu USD, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Về hợp tác đầu tư, tính đến nay doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 267 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,7 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Trong số này, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa.
Theo Bộ Công Thương, trong kỳ họp Uỷ ban liên Chính phủ lần thứ 47 diễn ra vào tháng 1/2025 vừa qua tại Lào, hai bên đã ký kết 4 văn kiện hợp tác bao gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2025; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về mua bán than và điện; Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào và trao 13 Giấy chứng nhận, giấy phép đầu tư trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, hai nước Việt Nam-Lào đã ký Hiệp định mua bán than và điện, hoàn thiện khuôn khổ thanh toán bản tệ và kết nối thanh toán bán lẻ song phương... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiếp tục phối hợp, triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã cam kết về hợp tác mua bán than, điện thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam–Lào, Lào –Việt Nam (Vientiane, 08/04/2024). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Cùng đó, tạo thuận lợi cho thương mại, giao thương và nhu cầu tài chính của doanh nghiệp và người dân hai nước, nhất là khu vực biên giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thương mại hai nước Việt Nam-Lào phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều điểm hạn chế.
Cụ thể như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả... Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Nâng tầm quan hệ
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Nhằm tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, nhất là về kết nối và bổ trợ giữa hai nền kinh tế, Việt Nam và Lào cần đẩy mạnh, tăng cường kết nối về thể chế, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, viễn thông, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, khuyến khích và thu hút doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà Lào có tiềm năng, thế mạnh, dành sự ưu tiên như năng lượng sạch, chuyển đổi số, nông nghiệp sạch… tích cực bổ trợ cho nhau, gắn kết văn hóa-xã hội, thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa… Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác giữa địa phương hai nước, nhất là nơi có chung đường biên giới để gắn kết chặt chẽ hơn các vùng kinh tế, biên giới nhằm phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và giao lưu nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Thương vụ Việt Nam tại Lào cho biết: Để thúc đẩy hợp tác thương mại, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm nhằm tạo dựng cơ hội kết nối giữa các địa phương của hai nước.
Nổi bật là Hội chợ Thương mại Việt-Lào Expo được tổ chức vào quý 3 hàng năm. Đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng kết nối giao thương, miễn phí gian hàng, giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội giao lưu, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trong năm 2025, nhằm đưa hợp tác song phương Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất việc quán triệt sâu sắc và thực hiện quan điểm chỉ đạo của hai Thủ tướng tại phiên họp toàn thể về hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực thương mại, khoáng sản và năng lượng. Cùng đó, khẩn trương đưa các hiệp định đã ký kết đi vào thực thi.
Trên cơ sở Hiệp định Mua bán than, điện, Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Việt Nam triển khai ký kết các hợp đồng mua bán than dài hạn với nhà cung cấp phía Lào.
Đôn đốc tập đoàn, tổng công ty Việt Nam bàn ngay với đối tác phía Lào thống nhất chỉ số giá than thế giới để tham chiếu thống nhất cho hợp đồng mua bán than.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường giao thông, cửa khẩu, kho tàng, băng tải than ở cả Việt Nam và Lào, tạo thuận lợi nâng cao khối lượng mua bán than. Mặt khác, nghiên cứu khảo sát, xem xét khả năng xây dựng các cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoặc hình thức phù hợp về hợp tác thương mại và công nghiệp dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Bên cạnh đó, phối hợp nghiên cứu về khả năng hợp tác và tính khả thi xây dựng các kho chứa xăng dầu bên phía Lào tại khu vực giáp biên giới Việt Nam bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ Lào tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang Lào khai thác khoáng sản, đầu tư điện gió, mặt trời, nhiệt điện để xuất khẩu trở lại Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/