KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Chính trị
Đăng ngày: 06/05/2025 - Lượt xem: 62
Quân và dân Hưng Yên “Nổi sấm Đường 5”, giải phóng quê hương góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là công sức, máu xương của quân và dân cả nước, trong đó có đóng góp của quân và dân Hưng Yên với hàng nghìn người con tham gia trực tiếp chiến đấu nơi vùng trời Tây Bắc và ở quê nhà, diễn ra hàng trăm trận đánh bốt, diệt đồn. Đặc biệt là đợt Tổng công kích “nổi sấm Đường 5” phá hủy đường tiến công, tiếp vận của quân địch, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi. Nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên vị trí làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh. Đất nước, dân tộc, Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhưng cách mạng Việt Nam cũng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn như: giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là nguy cơ xâm lược của nhiều kẻ thù.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “…Hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng kiên quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc ta vào vòng vây nô lệ một lần nữa”. Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, chỉ rõ: “… kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”. Chúng ta vừa kiên quyết và mền dẻo, vừa đấu tranh và nhân nhượng, ta đã không để cho quân Tưởng thực hiện được mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng; ta có thêm điều kiện củng cố hậu phương, tập trung lực lượng vào chống thực dân Pháp xâm lược.

Ở Hưng Yên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Hưng Yên đã chủ động, tích cực xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, từng bước giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế văn hóa - xã hội; đưa tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc chiến đấu chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.

Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngay từ ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945), khi Chi đội giải phóng quân Hưng Yên lên tầu tốc hành vào Nam chiến đấu và phong trào “Nam tiến” sôi nổi khắp 10 huyện, thị xã. Hưng Yên liên tục chống các mưu toan của thù trong, giặc ngoài, vừa chuẩn bị kháng chiến và kiến quốc, chủ động cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Thực hiện Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng (12/12/1946) và  “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hưng Yên đã lãnh đạo và phát động quân dân toàn tỉnh cùng cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Mọi công việc chuẩn bị kháng chiến ở Hưng Yên cơ bản hoàn thành. Quân và dân Hưng Yên đều chung một ý chí quyết tâm, kiên quyết đứng lên chiến đấu, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngày 4/01/1947, Hưng Yên đánh trận đầu tiên với thực dân Pháp tại Như Quỳnh (nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm), mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân trong tỉnh. Kể từ đó, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, nhỏ, đặc biệt là việc phối hợp của quân và dân Hưng Yên với chiến dịch Điện Biên Phủ mà đỉnh cao là đợt Tổng tiến công “Nổi sấm Đường 5” diễn ra và giành được nhiều thắng lợi.

Căn cứ vào phương châm, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Trung ương đã liên tục chỉ đạo các chiến trường tích cực hoạt động phối hợp với chiến trường chính là “Mặt trận Trần Đình”[1]. Do tình hình có những phát triển mới, ngày 23/2/1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị, trong đó nhấn mạnh: “Cần mở rộng hoạt động ở Tả Ngạn trong một thời gian dài với quy mô nhỏ, dùng lực lượng bộ đội nhỏ liên tiếp hoạt động, đánh nhỏ ăn chắc, chủ yếu là đánh du kích, không nên ham đánh công kiên và vận động. Phải lợi dụng mọi cơ hội đánh nhỏ, phá hoại giao thông, kho tàng, đánh địa lôi, phá hoại cầu đường làm cản trở vận chuyển của địch”; và “cần đẩy mạnh hoạt động ở Đường 5 để phá hoại giao thông vận tải của địch, chống bắt lính, đồng thời phát triển cơ sở của ta. Việt Bắc và Tả Ngạn phải phối hợp chặt chẽ để mở rộng hoạt động trên con đường này trong một thời gian dài, chủ yếu cũng là đánh du kích liên tục, phá hoại cầu đường, đánh địa lôi, đề phòng tư tưởng đánh to vài trận rồi rút bộ đội đi nơi khác nghỉ ngơi”[2].

Xác định Hưng Yên là hướng chính, Bộ Tư lệnh Khu đưa toàn bộ Trung đoàn 42, phần lớn Trung đoàn 50 vào hoạt động trên địa bàn tỉnh và thành lập Ban Chỉ huy Mặt trận Bắc Đường 5, do đồng chí Dương Hữu Miêu - Phó Tư lệnh Khu làm Trưởng ban, đồng chí Lê Đức Thịnh - Chính trị viên Tỉnh đội Hưng Yên làm Phó Ban Thường trực, đồng chí Huy - Tỉnh Đội phó Bắc Ninh, đồng chí Thanh - Tỉnh Đội phó Hải Dương làm Ủy viên.

Về phía tỉnh Hưng Yên, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 23/2/1954, Tỉnh ủy lãnh đạo quân và dân Hưng Yên phối hợp chuẩn bị các điều kiện tác chiến. Tỉnh đội Hưng Yên tập trung chỉ đạo các Tiểu đoàn 54, 58, Đại đội 10 độc lập của tỉnh bổ sung, củng cố, huấn luyện theo yêu cầu luân phiên vào hoạt động lâu dài trong vùng địch hậu. Các đội Phù cừ, Ân Thi huấn luyện theo hướng phối hợp, phối thuộc cho bộ đội Khu đánh phục kích vừa và lớn trên đường giao thông và được đưa lên tuyến Đường 5 hoạt động. Các Đại đội Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang vừa chuẩn bị chiến trường, bổ sung một số trung đội cho Khu và tỉnh tác chiến tại địa phương, vừa chủ động đánh địch, phá tề, phá hoại giao thông, cùng lực lượng chính trị mở rộng cơ sở, chống địch lấn chiếm và càn quét trên địa bàn ta mở đợt hoạt động. Trinh sát được tung sâu vào đường sắt, Đường 5 nắm địch, rà soát lại lần cuối giúp cho chỉ huy lập kế hoạch đánh các đồn trong khu vực hoạt động như Nghĩa Lộ, Như Quỳnh, Đình Dù, Hoàng Nha, Thanh Đặng (huyện Văn Lâm)... Ngày 11/3/1954, Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ thị bổ sung thêm nhiệm vụ: "... Những nơi có điều kiện thì phát động đấu tranh vũ trang, tiêu diệt hệ thống tháp canh trên Đường 5, đường sắt, bắt phản động, phá hoại và làm tê liệt giao thông”.

Sự phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân tỉnh Hưng Yên đã để lại những trận đánh đáng nhớ: Ngày 12/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp điện chỉ thị cho Trung đoàn 42 phải đánh Nghĩa Lộ, không cho chúng rút đi để chi viện cho Điện Biên Phủ. Đêm ngày 12/3/1954, Trung đoàn 42 đã hành quân, chiếm lĩnh trận địa, bí mật tiếp cận được địch và nổ súng lúc 3 giờ sáng ngày 13/3/1954. Sau 2 giờ chiến đấu vô cùng quyết liệt, ta diệt được lô cốt chính, 12 ụ vệ tinh, đánh chiếm từng khu vực, diệt gần một tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, phá hầu hết công sự nổi…

Cùng với trận đánh Nghĩa Lộ, tỉnh Hưng Yên huy động hàng chục nghìn dân quân du kích và dân công lên phá dỡ đường sắt từ Cổ Bi tới Xuân Đào, phá Đường 5 từ Như Quỳnh đến Quán Gỏi; san bằng 2 tháp canh Quán Ròn, Xuân Đào. Do đường sắt bị phá hủy, một đoàn tàu hỏa từ Hà Nội xuống bị tắc nghẽn tại ga Lạc Đạo, bộ đội Văn Lâm đã đột nhập đánh đổ đoàn tàu đó. Hệ thống vận tải đường sắt của địch bị tê liệt hoàn toàn từ ngày 13/3 đến  ngày 15/3/1954.

Từ ngày 13/3 đến ngày 26/3/1954, bộ đội và du kích các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào đã trụ bám địa bàn chống càn quét, phá đường, liên tục đánh tàu, xe của địch, phá 42 xe các loại. Trong đó, du kích huyện Yên Mỹ liên tục lên đường "săn" xe địch; trong 5 ngày liền, ngày nào cũng diệt được xe quân sự của địch.

Ngày 28/3/1954, Tiểu đoàn 698 tổ chức trận phục kích trên Đường 5 tại khu vực chợ Đường Cái, đánh trúng một cánh quân từ Bần Yên Nhân lên và một cánh quân từ Như Quỳnh xuống, diệt hoàn toàn một đại đội và 2 trung đội công binh, thu nhiều vũ khí, phá 18 xe các loại, trong đó có 10 xe đặc chủng.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tuần (từ ngày 12 đến ngày 28/3/1954), để phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân Hưng Yên tiêu diệt, bức hàng và bức rút 12 vị trí lớn nhỏ, mở rộng khu du kích Bắc Hưng Yên thêm 78 thôn; liên tục đánh mìn, đánh phá tàu, xe, phá hủy đường sắt, đường bộ, làm gián đoạn giao thông của địch, buộc địch phải giam chân nhiều lực lượng để giải vây, ứng cứu.

Đặc biệt là trên tuyến đường 5, trên cung đoạn 15 ki-lô-mét, trong vòng 17 ngày, quân và dân Hưng Yên đã phục kích thành công 4 trận, tiêu diệt và làm mất sức chiến đấu tương đương tiểu đoàn thuộc lực lượng cơ động chiến lược của địch. Đây là chiến công xuất sắc của ba thứ quân, của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ tạo nên những trận đánh “nổi sấm” về giao thông chiến trên một vùng trọng điểm về giao thông vận tải chiến lược; là sự phối hợp hiệu quả đối với đợt 1 của chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Khi bộ đội ta mở đợt công kích thứ hai vào Điện Biên Phủ, quân và dân Hưng Yên mở đợt hoạt động mới trên cả tuyến đường 5 và ở phía nam của tỉnh với những trận đánh lớn: Ngày 22/4/1954, Tiểu đoàn 698 cùng các địa phương tổ chức trận phục kích lớn tại khu vực Chợ Đường Cái. Khi cả tiểu đoàn địch có 4 xe tăng yểm hộ lọt vào trận địa phục kích của ta, đơn vị bắt đầu nổ súng. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt tại trận 179 tên, làm bị thương 64 tên, bắt 108 tên (có 2 quan tư, 1 quan ba, 2 quan hai người Pháp); phá hủy một xe tăng, 11 xe quân sự, một pháo 57mm; thu được 2 đại bác, 2 súng cối, 2 đại liên, 12 trung liên, 54 tiểu liên, 13 súng lục, 70 súng trường, tiểu đoàn quân viễn chinh số 100 của địch bị xóa sổ. Đây là trận thắng lớn nhất trong đợt hoạt động phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên Mặt trận Đường 5 và là trận phục kích thắng lợi thứ ba trong vòng 40 ngày trên cùng một quãng đường 5 chỉ cách Hà Nội 20km.

Khi ta đang công kích đợt 3 ở Mặt trận Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 54 tập kích quận lỵ Văn Giang, diệt gọn một đại đội địch; bộ đội huyện Văn Giang tập kích diệt địa phương quân ở Thuận Tốn và tập kích vị trí Xuân Quan bắt 42 tên, thu 35 súng. Đại đội 10 và bộ đội huyện Văn Lâm liên tục đánh đổ nhiều đoàn tàu quân sự tại các khu vực Khuyến Thiện, Đại Từ, Lạc Đạo, Đông Mai.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 9/5/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công ở Mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương, nhấn mạnh: “Thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường khác trong toàn quốc đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến của Nhân dân ta tiến lên một bước quan trọng, làm đà và gây điều kiện thuận lợi tốt cho nhiều thắng lợi lớn hơn nữa của ta sau này”[3].

Các đơn vị bộ đội, các lực lượng tiếp quản dân sự của tỉnh và các địa phương đã lần lượt tiến vào tiếp quản thị trấn Yên Mỹ, khu Nho Lâm - Thư Thị - Hào Xuyên (huyện Yên Mỹ), Như Quỳnh, Lạc Đạo (huyện Văn Lâm), Bần Yên Nhân, Dị Sử (nay thuộc thị xã Mỹ Hào) bảo đảm an toàn, trật tự, trước hàng nghìn nhân dân hồ hởi, phấn khởi đem băng, cờ, khẩu hiệu ra chào đón. 11 giờ 30 phút ngày 8/10/1954, đơn vị cuối cùng và tên lính thực dân cuối cùng trong lực lượng viễn chinh của quân đội Pháp ở Đông Dương rút khỏi Quán Gỏi trên đường 5, tỉnh Hưng Yên được hoàn toàn giải phóng.

Trong gần 9 năm chuẩn bị và trực tiếp kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, quân và dân tỉnh Hưng Yên đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu oanh liệt, dũng cảm, sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và đấu tranh giải phóng quê hương. Đây là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh, toàn dân, toàn diện trên một địa bàn mang tính chiến lược của Đồng bằng Bắc Bộ. Chiến thắng của quân và dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hưng Yên và góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Trên cơ sở đó, Hưng Yên có điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển về mọi mặt, tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ở những giai đoạn cách mạng mới.

 Trương Văn Lành 
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Bài viết sử dụng một số tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Lịch sử tỉnh Hưng Yên tập 2 (1945-  2015), NXB Chính trị quốc gia sự thật, năm 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.94
3. Đảng bộ Quân sự tỉnh Hưng Yên, Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hưng Yên (1947-2012).
4. Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên, Hưng Yên lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), NXB Quân Đội Nhân Dân, năm 2018.
5. Văn kiện quân sự của Đảng, tập 2, Sđd, tr.360, 361.

[1] Để giữ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh Điện Biên Phủ, lúc đó Điện Biên Phủ được gọi là “Mặt trận Trần Đình” hoặc “Chiến trường XX”.

[2] Văn kiện quân sự của Đảng, tập 2, Sđd, tr.360, 361.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.94.

Tin liên quan