Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên. Số 14, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Điện thoại 02213.863.577
BCĐ QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Đăng ngày: 06/08/2024 - Lượt xem: 966
Công tác chăm lo gia đình chính sách người có công trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là truyền thống quý báu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng công tác chăm lo người có công và đạt được nhiều kết quả thiết thực, ý nghĩa.

Tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 150.000 đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 25.000 liệt sĩ; hơn 87.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; 747 lão thành cách mạng (02 người còn sống đang hưởng trợ cấp), 533 cán bộ tiền khởi nghĩa (09 người còn sống đang hưởng trợ cấp); 6.485 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 16.150 thương binh (6.086 người còn sống đang hưởng trợ cấp); 8.579 bệnh binh (4.018 người còn sống đang hưởng trợ cấp); 23 người có công giúp đỡ cách mạng (01 người còn sống đang hưởng trợ cấp); 2.017 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 2.300 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện có 18 mẹ còn sống); 21.169 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa, thăm, tặng quà người có công tại huyện Ân Thi. Ảnh: Đào Doan

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm lo chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã quan tâm và triển khai đồng bộ nhiều chính sách chăm lo người có công với cách mạng. Cụ thể như: Ngay sau khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến người có công, như  Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định số 75/2021/NĐ-CP) và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP…; tỉnh Hưng Yên đã triển khai tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa chính sách, chế độ mới về lĩnh vực người có công trong thực tiễn địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 04/3/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 về việc ban hành Quy chế phân cấp quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến từ nguồn ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành 15 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, triển khai về công tác ưu đãi người có công và phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản để triển khai tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn.

Nhiều chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công trên địa bàn tỉnh như: Từ năm 2022 đến nay, công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển khai tích cực. Tổng số người có công được xác nhận mới theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ là 93 người, trong đó: Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học là 58 người (gồm 55 người là đối tượng trực tiếp, 03 người là đối tượng gián tiếp); người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày là 08 người; liệt sĩ 05 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng là 22 Mẹ (cả 22 trường hợp đều là truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”). Giới thiệu giám định tổng hợp bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người đang hưởng bệnh binh để điều chỉnh mức trợ cấp là 28 người. Giới thiệu giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh để điều chỉnh mức trợ cấp là 20 người. Giải quyết thêm chế độ đối với thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc giải quyết thêm chế độ thương binh đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động là 630 người. Trong đó, 569 người được giải quyết hưởng thêm chế độ thương binh; 61 người giải quyết hưởng thêm chế độ bệnh binh.

Công tác thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được triển khai đầy đủ, kịp thời. Thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đến niên hạn cho 23.071 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Tiếp nhận và xét duyệt trên 146.000 hồ sơ giải quyết chế độ liên quan đến người có công và thân nhân người có công, trong đó có trên 124.000 hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống hành chính công tỉnh. Tiếp nhận, xét duyệt 62 hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xác nhận đối với 23 trường hợp. Trình cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 1.060 liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tổ chức thăm, tặng quà người có công, gia đình liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên Đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà 66.202 lượt người có công, gia đình liệt sỹ, tổng kinh phí dành cho hoạt động thăm, tặng quà gần 40 tỷ đồng).

Tích cực triển khai thu thập, thống kê, rà soát, làm sạch và nhập dữ liệu người có công và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt ; số hóa hồ sơ và thủ tục hành chính lĩnh vực người có công theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp nhận và trả lời 185 đơn thư, công văn liên quan đến chế độ người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ được đặc biệt chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 124 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và cấp xã với số lượng mộ liệt sĩ là 18.200 mộ; đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ với tổng kinh phí là  25,5 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã huy động, kêu gọi ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp được 19,5 tỷ đồng (năm 2022 được 11 tỷ đồng; năm 2023 được 8,5 tỷ đồng); hỗ trợ 163 gia đình người có công với cách mạng sửa chữa, xây mới nhà ở, với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ngoài việc thường xuyên huy động, tổ chức hỗ trợ người có công từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp, trong từng giai đoạn tỉnh đã tổ chức huy động và hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo kế hoạch, đề án, chuyên đề; riêng giai đoạn 2019 - 2020, hỗ trợ 646 gia đình người có công với cách mạng sửa chữa, xây mới nhà ở, với kinh phí trên 51,68 tỷ đồng. Tặng 81 sổ tiết kiệm cho gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ trên 30 lượt người có công khám chữa bệnh hoặc khi gia đình gặp khó khăn trọng cuộc sống. Hỗ trợ 12 lượt Ban quản lý nghĩa trang và các di tích lịch sử Quốc gia để sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang, khu di tích.

Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đây là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, đồng thời bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.   

Đặng Văn Diên - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Nguồn: Bản tin Dân vận Hưng Yên số 70

Tin liên quan