Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên. Số 14, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Điện thoại 02213.863.577
BCĐ QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Đăng ngày: 09/01/2024 - Lượt xem: 462
Ngành Giáo dục Đào tạo Hưng Yên "Dân vận khéo" trong việc nâng cao chất lượng dạy và học

Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong ngành giáo dục và đào tạo gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh và đất nước.

 

Một buổi học của các cháu học sinh Trường Mầm non Tô Quyền, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang   Ảnh: Tư liệu

Phát triển giáo dục theo quy hoạch, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và xã hội hóa giáo dục; xây dựng xã hội học tập. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dạy và học.Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Sở Giáo và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng, lựa chọn, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực giáo dục, như mô hình: “Trường học hạnh phúc”; “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”; “Xây dựng xã hội học tập”; “Xây dựng gia đình hiếu học”;… Các cơ sở giáo dục đã chú trọng thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó nổi bật là mô hình  “Dân vận khéo” trong việc nâng cao chất lượng dạy và học được các thầy cô và học sinh tích cực hưởng ứng thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

 

Một số kết quả nổi bật năm học 2022 - 2023 có thể kể đến như: Tỷ lệ huy động huy động trẻ mầm non ra lớp đạt tỷ lệ 42,3%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt 99,5%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%. Giáo dục phổ thông có 330 trường, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông chiếm khoảng 78,7%. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, an toàn với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,14%. Chất lượng phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2; Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt kết quả tốt. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục duy trì kỷ cương nền nếp giáo dục trong trường học; công tác đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; có 194 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh, trong đó có  34 giáo viên bậc mầm non, 51 giáo viên bậc tiểu học, 52 giá viên bậc trung học cơ sở, 57 giáo viên bậc trung học phổ thông. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm tăng cường đầu tư gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên cho xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo được ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên quan tâm thực hiện; 100% các cơ sở giáo dục triển khai sử dụng các phần mềm họp, dạy học trực tuyến, nhiều trường tổ chức cho giáo viên, học sinh, trao đổi chuyên môn bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện phòng chống dịch bệnh; 100% các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý và ra đề thi để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên tiếp tục thực hiện phong trào phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong việc nâng cao chất lượng dạy và học gắn với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, trong đó tập trung vào thực hiện các nội dung như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và đội ngũ quản lý giáo dục; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

Để thực hiện được các nội dung trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan đơn vị, các trường học trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: (1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhất là tư tưởng “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” gắn với việc tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu giáo dục và đào tạo; tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. (2) Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể vũng mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các trường học và cơ quan quản lý giáo dục; phối hợp tốt giữa nhà trường - gia đình - xã hội để cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội nhận thức rõ trách nhiệm đối với giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất để con em được đến trường học tập và phát triển một cách toàn diện. (3) Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo; chú trọng phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các trường học và cơ quan quản lý giáo dục. (4) Thường xuyên đổi mới nội dung, triển khai thực hiện các phong trào thi đua, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục; linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời khen thưởng và động viên giáo viên, học sinh có thành tích cao trọng học tập và giảng dạy. Từ đó khuyến khích cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào. (5) Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong việc nâng cao và phát triển giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài”, ươm trồng những thế hệ tương lai, chủ nhân đất nước là những con người có phẩm chất đạo đức tốt, sống có lý tưởng, có hoài bão, góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh./.

Nguồn: Bản tin Dân vận số 67

Tin liên quan