Thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại nơi làm việc, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động tham gia, phối hợp với chuyên môn đồng cấp thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Qua đó, phát huy quyền “được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát” của người lao động (NLĐ), góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
|
Một buổi đối thoại với NLĐ tại Công ty cổ phần Daesang Đức Việt (Yên Mỹ) |
Công ty cổ phần Daesang Đức Việt (Yên Mỹ) chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ thịt, có gần 500 NLĐ đang làm việc. Bà Trịnh Thị Liên, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Hằng năm, công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức hội nghị NLĐ, mỗi quý tổ chức 1 buổi đối thoại với NLĐ. Qua hội nghị NLĐ và các buổi đối thoại, NLĐ được thảo luận, đóng góp, đề xuất ý kiến để Ban Giám đốc cải thiện điều kiện, môi trường, thời gian làm việc, chế độ lương, thưởng… Hiện nay, NLĐ được làm việc trong môi trường làm việc tốt với nhiều chế độ đãi ngộ, 100% NLĐ được đóng bảo hiểm xã hội, vào ngày lễ được tặng quà, thưởng Tết tháng lương thứ 13…
Ông Lê Chiến, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Daesang Đức Việt cho biết: Việc duy trì tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ 3 tháng/lần tại đơn vị, đã giúp chủ doanh nghiệp và NLĐ có sự thấu hiểu, chia sẻ. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của NLĐ, công đoàn tham mưu lãnh đạo doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung có lợi cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể. Vì vậy, lao động của doanh nghiệp ít biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng năm đều tăng cao.
Vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc được thể hiện rõ khi có mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Từ tháng 12/2022 đến nay, trong tỉnh đã xảy ra 3 vụ NLĐ tập trung đông người nhằm thắc mắc về lương, thưởng tết và tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phù Cừ cho biết: Khi trên địa bàn huyện rảy ra vụ việc người lao động ở một doanh nghiệp tập trung đông người, LĐLĐ huyện và chính quyền địa phương trực tiếp đến làm việc với đại diện doanh nghiệp, công đoàn doanh nghiệp và NLĐ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải thích cho NLĐ hiểu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong việc thưởng tết. Sau đối thoại, NLĐ đã trở lại làm việc, mâu thuẫn trong quan hệ lao động được giải quyết ngay tại cơ sở.
Nhằm thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai các quy định của pháp luật về thực hiện QCDC trong hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với thủ trưởng đơn vị, chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị NLĐ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Năm 2022, 100% số công đoàn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 498/789 công đoàn doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ. Chị Đào Thị Hằng, NLĐ Công ty TNHH may mặc dệt kim Smart Shirt Việt Nam (Ân Thi) cho biết: Việc tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc đã tạo điều kiện cho NLĐ được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để chủ doanh nghiệp xem xét, giải quyết.
Để triển khai thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở cũng như việc chấp hành pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; giao chỉ tiêu hằng năm cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở những kỹ năng, kiến thức cơ bản và nghiệp vụ công đoàn tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đối thoại tại nơi làm việc, năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 164 cuộc đối thoại định kỳ và 44 cuộc đối thoại đột xuất tại 142 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ từ nhiều năm nay như: Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ); Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (Văn Lâm)… Đa số công đoàn đã chủ động tham mưu với chủ doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho NLĐ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1 thỏa ước lao động nhóm doanh nghiệp ngành may gồm 5 đơn vị, 315 công đoàn doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Việc thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở đã khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Vai trò làm chủ của NLĐ được nâng lên, tạo động lực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Nguồn: Baohungyen.vn